Báo Đồng Nai điện tử
En

Vay mượn đúng cách, giảm tranh chấp

Tố Tâm
08:49, 21/10/2023

Theo ngành Tòa án, thời gian qua, tình trạng vay mượn tài sản cá nhân dẫn đến tranh chấp diễn ra khá phổ biến. Giao dịch vay mượn cá nhân thiếu rõ ràng không chỉ gây ra tranh chấp dân sự kéo dài mà còn gây mâu thuẫn, ảnh hưởng xấu đến mối quan hệ cá nhân, gây mất an ninh trật tự xã hội.

Cán bộ TAND tỉnh tiếp công dân để giải quyết tranh chấp liên quan đến giao dịch vay mượn cá nhân. Ảnh: T.Tâm
Cán bộ TAND tỉnh tiếp công dân để giải quyết tranh chấp liên quan đến giao dịch vay mượn cá nhân. Ảnh: T.Tâm

Thông thường, với loại hình vay tài sản bằng hình thức tín chấp giữa người cho vay và người vay tiền thường chỉ lập những giấy biên nhận hoặc hợp đồng vay tiền đơn giản, thậm chí chỉ thông qua lời nói nên gây khó khăn khi giải quyết tranh chấp.

* Rắc rối vì vay mượn không rõ ràng

Thời gian qua, việc tranh chấp tài sản cá nhân với nhau diễn ra phổ biến. Từ những người thân quen với nhau bỗng trở mặt và phải cùng nhau ra tòa để đòi lại tài sản. Điều này không chỉ khiến mất tài sản mà còn sứt mẻ tình cảm giữa đôi bên.

Đơn cử như ông T.H., bà N.T. và ông V.V., bà T.Q., cùng ngụ H.Thống Nhất, làm chung cơ quan với nhau nên các bên chỉ thỏa thuận cho vay mượn tiền bằng miệng mà không lập hợp đồng vay mượn.

Cụ thể, theo trình bày của ông H. và bà T., vào tháng 9-2019, ông V. và bà Q. đã mượn của ông H. và bà T. tổng số tiền 510 triệu đồng. Hiện đã trả được 100 triệu đồng.

Theo TAND tỉnh, đối với trường hợp không khởi kiện tại tòa án, trong quá trình vay mượn và đòi lại tài sản cũng cần phải tìm hiểu kỹ về quy định pháp luật. Tránh việc đòi nợ sai cách dẫn đến để lại những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Trong khi đó, ông V. cho rằng, tổng số tiền ông vay 3 lần của ông H. và bà T. là 140 triệu đồng. Ông đã trả nợ cả gốc lẫn lãi lên đến 280 triệu đồng nên hiện không còn vay mượn nữa. Còn bà Q. cũng khẳng định đã trả xong nợ cho ông H. và bà T.

Bản án sơ thẩm của TAND H.Thống Nhất vào tháng 4-2023 đã buộc ông V. phải trả số tiền tổng cộng 210 triệu đồng; bà Q. phải trả 200 triệu đồng cho ông H. và bà T. Tuy nhiên,  đến tháng 9-2023, trong bản án phúc thẩm, TAND tỉnh tuyên buộc ông V. chỉ phải trả cho ông H. và bà T. số tiền 110 triệu đồng. Đồng thời, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông H. và bà T. đối với bà Q. về việc tranh chấp hợp đồng vay tài sản.

Tương tự, vào tháng 9-2023, TAND tỉnh tuyên xử một bản án người thân tranh chấp kéo dài hơn 4 năm do quá trình vay mượn tiền không rõ ràng. Cụ thể, bà H. và bà L., cùng ngụ TP.Biên Hòa, là chị em bà con bạn dì với nhau. Do cần tiền nên từ năm 2012-2015, bà H. nhiều lần vay mượn tiền của bà L. Theo bà H., thực tế bà vay tổng số tiền 120 triệu đồng nhưng phải ghi giấy nợ 250 triệu đồng. Tuy nhiên, quá trình trả nợ, bà H. đã phải trả số tiền nhiều hơn 700 triệu đồng nên bà làm đơn khởi kiện yêu cầu bà L. phải trả lại cho mình số tiền hơn 180 triệu đồng.

Trong khi đó, bà L. cho rằng, bà H. đã vay số tiền 250 triệu đồng, lãi suất 3%/tháng. Bà L. không đồng ý với nội dung khởi kiện của bà H. và tại đơn phản tố (kiện ngược lại bà H.) thì bà L. yêu cầu bà H. phải trả cho mình số tiền gốc và lãi gần 220 triệu đồng.

Bản án sơ thẩm của TAND TP.Biên Hòa đã bác đơn khởi kiện của bà H., chấp nhận đơn phản tố của bà L., buộc bà H. trả cho bà L. số tiền hơn 200 triệu đồng. Đến tháng 9-2023, TAND tỉnh tuyên bản án phúc thẩm buộc bà L. phải trả cho bà H. số tiền gần 125 triệu đồng.

* Cẩn trọng khi vay mượn tài sản cá nhân

Theo TAND tỉnh, thời gian qua, do nền kinh tế thị trường có sự tác động rất lớn đến hoạt động vay vốn, cho vay nên nhiều hợp đồng vay đã có sự biến tướng phức tạp, gây khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp.

Thông thường, khi vay mượn nợ số tiền lớn, người ta sẽ nghĩ đến việc vay từ các ngân hàng. Thế nhưng, do nhiều thủ tục phức tạp, việc cấp vốn chậm trễ nên một số người chọn cách vay vốn làm ăn từ người thân, người quen hoặc những mối quan hệ ngoài xã hội. Khi vay mượn cá nhân sẽ được thực hiện thông qua các hình thức như: vay tín chấp giữa người cho vay và người vay và chỉ thiết lập giấy vay mượn tay đơn giản hoặc bằng lời nói với nhau. Cũng có một số trường hợp chỉ ghi nhận số tiền vay, còn lãi suất và thời hạn thì thỏa thuận ngoài. Thậm chí, có nhiều trường hợp vay thực tế số tiền khác nhưng viết trong giấy vay mượn số tiền lại khác. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện tình trạng vay mượn bằng hợp đồng giả cách (vay tiền nhưng làm thủ tục bán tài sản). Vì vay mượn không rõ ràng nên dễ dẫn đến những tranh chấp và rất khó giải quyết, khó thu thập chứng cứ trong quá trình xét xử vụ án.

Cũng theo đại diện TAND tỉnh, dù vay dưới hình thức nào thì thông thường lãi suất vay ngoài xã hội thường cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng. Bên đi vay thường rơi vào tình trạng cần tiền gấp và chấp nhận việc vay tiền lãi suất cao với những rủi ro trong việc giao kết. Khi làm ăn thuận lợi, người vay trả lãi đều đặn cho người cho vay. Nhưng khi làm ăn không thuận lợi khiến họ mất khả năng thanh toán dẫn đến tranh chấp xảy ra.

Do đó, trong quá trình xét xử vụ án, thông thường các thẩm phán cần phải cân nhắc và thu thập chứng cứ rất kỹ về nhiều phương diện khác nhau như: thời hiệu khởi kiện, chủ thể tham gia và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, quy định tính lãi suất trong quá trình vay mượn. Thông thường, những vụ án tranh chấp liên quan đến vay mượn cá nhân sẽ rất khó thu thập chứng cứ, vì việc vay mượn diễn ra sơ sài, không có giấy tờ thỏa thuận rõ ràng.

Do đó, theo TAND tỉnh, để tránh những tranh chấp không đáng có cũng như tránh biến những mối quan hệ thân tình thành người dưng thì các bên cho vay và vay mượn cần tìm hiểu kỹ; đồng thời, lập các văn bản, giấy tờ cần thiết như: giấy giao nhận tiền, kỳ hạn vay và những lần trả, lãi suất quy định. Để khi xảy ra tranh chấp thì những giấy tờ này sẽ trở thành căn cứ pháp lý vững chắc, giúp việc khởi kiện được giải quyết nhanh chóng và đơn giản hơn.

Tố Tâm

Tin xem nhiều