Thời điểm cuối năm, lượng người đi lại trên các đò, phà có xu hướng gia tăng, tình hình thời tiết cũng diễn biến phức tạp. Việc này dẫn tới tăng nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy.
Người dân H.Nhơn Trạch (Đồng Nai) và H.Cần Giờ (TP.HCM) thường qua lại trên sông Vàm Mương thông qua bến đò Phước Khánh từ nhiều năm nay. Ảnh: Đ.TùnG |
* Nguy cơ va chạm giao thông đường thủy còn cao
Đồng Nai hiện có hơn 20 bến khách ngang sông, trong đó có nhiều bến vận chuyển hành khách liên tỉnh tại TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch, H.Vĩnh Cửu… giúp người dân qua lại giữa tỉnh Đồng Nai và TP.HCM, tỉnh Bình Dương.
Trong đó, một số bến có lượng khách qua lại đông đúc mỗi ngày như: phà Cát Lái nối H.Nhơn Trạch sang bờ TP.HCM (khoảng 48 ngàn lượt), phà Bà Miêu nối TP.Biên Hòa sang tỉnh Bình Dương (khoảng 500 lượt), đò Phước Khánh nối H.Nhơn Trạch sang bờ TP.HCM (khoảng 700 lượt)… Các đò, phà này đều hoạt động trên tuyến sông Đồng Nai (và các nhánh phụ) thường xuyên qua lại cùng các phương tiện thủy khác.
Do mật độ tàu, sà lan lưu thông khá dày trên sông Đồng Nai nên tiềm ẩn nguy cơ va chạm giữa các phương tiện thủy rất cao. Thực tế từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2 vụ tai nạn giao thông đường thủy làm 1 người tử vong.
Điển hình như sáng 5-2, đò chở khách số hiệu ĐN1228 chở 12 người băng ngang sông Đồng Nai thì bất ngờ va chạm với sà lan số hiệu VL-15108 khiến đò ĐN1288 lật úp, toàn bộ những người trên chiếc đò rơi xuống sông. Vụ tai nạn khiến thai phụ N.T.H. (32 tuổi, ngụ P.An Bình, TP.Biên Hòa) đuối nước tử vong.
Đại diện Thanh tra giao thông (Sở GT-VT) cho hay, trong những tháng cuối năm 2023, lực lượng chức năng sẽ chú trọng kiểm tra thường xuyên các bến đò, bến khách ngang sông, phương tiện thủy nội địa. Trong đó, nhắc nhở chủ bến, người quản lý bến phải yêu cầu hành khách mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi cầm tay khi đi đò, phà qua sông để đảm bảo an toàn. |
Trước đó 1 tháng, tối 5-1, sà lan mang số hiệu LA-07291 đâm vào hông phà Cát Lái số hiệu SG-5889 trên sông Đồng Nai (địa phận H.Nhơn Trạch) khiến hông phà bị rách một đoạn dài hơn 1m (không có thương vong).
Tất cả các vụ tai nạn nêu trên đều xảy ra giữa phương tiện vận tải hàng hóa đi dọc sông với đò, phà chở khách đi ngang sông.
Đội trưởng Đội Thanh tra giao thông số 2 (Thanh tra giao thông, Sở GT-VT, phụ trách đường thủy) Đào Văn Quân phân tích, hiện vẫn còn nhiều cơn mưa lớn xuất hiện buổi chiều, cũng là lúc lượng người đi lại trên đò, phà lớn. Cùng với đó, mực nước, dòng nước trên sông sẽ thay đổi khi xuất hiện mưa to, gió lớn; ảnh hưởng đến việc cập bờ hoặc lưu thông. Vì vậy, nguy cơ mất an toàn đường thủy vào thời điểm cuối mùa mưa vẫn hiện hữu.
* Tăng cường tuần tra, kiểm tra
Trước nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy còn tồn tại, lực lượng chức năng đã liên tục tổ chức tuần tra, kiểm soát, kiểm tra an toàn các bến thủy hành khách, đò, phà đang hoạt động.
Trong 9 tháng năm 2023, Công an tỉnh đã chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông bố trí 769 tổ tuần tra trên các tuyến đường thủy nội địa với sự tham gia của hơn 2,3 ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ. Qua đó phát hiện, xử lý hàng ngàn trường hợp vi phạm, tạm giữ 2 phương tiện thủy.
Riêng Thanh tra giao thông thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các chủ bến chấp hành quy định giao thông đường thủy nội địa, nhất là việc đảm bảo an toàn khi vận chuyển hành khách, phương tiện đủ điều kiện an toàn kỹ thuật theo quy định.
Vừa qua, từ ngày 26 đến hết 28-9, Ban An toàn giao thông tỉnh đã chủ trì cùng các đơn vị liên quan kiểm tra tại 11 bến thủy (hàng hóa và hành khách) tại TP.Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch và Vĩnh Cửu. Đây là đợt kiểm tra nhằm đánh giá tình hình bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa trên toàn tỉnh. Qua đó kịp thời ngăn chặn, xử lý có hiệu quả những vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; phấn đấu không xảy ra tai nạn giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa trong tỉnh.
Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông tỉnh Não Thiên Anh Minh cho hay: “Chúng tôi tập trung kiểm tra thực tế việc chấp hành quy định của chủ bến, người quản lý bến, người điều khiển phương tiện. Đồng thời, kiểm tra thực địa các bến, ghi nhận các tồn tại, nguy cơ mất an toàn. Từ đó kiến nghị giải pháp cho các đơn vị chức năng tăng cường giải pháp đảm bảo an toàn tại các bến đò, bến khách vào những tháng cuối năm”.
Đăng Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin