Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân Tuần lễ Chuyển đổi số Đồng Nai năm 2023:
Chuyển biến tích cực trong chuyển đổi số của ngành Tư pháp

Võ Thị Xuân Đào Giám đốc Sở Tư pháp
08:44, 10/10/2023

Chuyển đổi số (CĐS) là chủ trương, chính sách lớn được Đảng, Nhà nước xác định trước những yêu cầu và sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư.

Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào trao giải cho các tập thể đoạt giải cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật năm 2020. Ảnh: Sở Tư pháp cung cấp
Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào trao giải cho các tập thể đoạt giải cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu pháp luật năm 2020. Ảnh: Sở Tư pháp cung cấp

Chính phủ đã ban hành Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó đề ra mục tiêu xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số với các quan điểm: CĐS trước hết là chuyển đổi nhận thức, người dân là trung tâm của quá trình CĐS, thể chế và công nghệ là động lực, phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá, an ninh, an toàn mạng là then chốt và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị là yếu tố đảm bảo sự thành công của CĐS ở nước ta.

* Những kết quả nổi bật

Đối với ngành Tư pháp Đồng Nai, trên cơ sở Quyết định số 983/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp và Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy Đồng Nai về CĐS, Sở Tư pháp đã ban hành Kế hoạch số 65/KH-STP ngày 7-9-2022 đề ra các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để thực hiện CĐS và gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ cải cách hành chính của ngành.

Qua hơn 1 năm triển khai, công tác CĐS đã có những chuyển biến tích cực trong các lĩnh vực. Cụ thể như: Công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của công chức, viên chức về công tác CĐS của ngành Tư pháp đã được triển khai đồng bộ với các hình thức phong phú, đa dạng thông qua các trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp, Hội đồng Phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh và kênh mạng xã hội như: Zalo, Facebook, YouTube. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc của cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã với 100% công chức tư pháp, UBND cấp xã, các tổ chức công chứng được cấp tài khoản để triển khai giải quyết công việc, thực hiện các nghiệp vụ trên các phần mềm về hộ tịch và công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch.

Đặc biệt, ngành Tư pháp Đồng Nai đã hình thành được 4 kho dữ liệu điện tử chuyên ngành về hộ tịch (với khoảng 2 triệu thông tin), công chứng (hơn 758 ngàn hợp đồng và hơn 646 ngàn thông tin cá nhân, tổ chức), lý lịch tư pháp (khoảng 300 ngàn thông tin) và văn bản quy phạm pháp luật (1.603 văn bản).

 

Ngoài ra, ngành Tư pháp áp dụng một số giải pháp công nghệ truyền dữ liệu nhằm nâng cao hiệu quả trong công việc như “kiềng ba chân” trong trao đổi thông tin lý lịch tư pháp, thí điểm cấp phiếu lý lịch tư pháp điện tử cho người dân (cấp hơn 10 ngàn phiếu), tổ chức cuộc thi Tìm hiểu pháp luật trực tuyến trên internet (thu hút gần 5 triệu lượt thi từ năm 2018 đến nay), thực hiện thanh toán điện tử đối với thủ tục hành chính trực tuyến lĩnh vực tư pháp trên Cổng dịch vụ công, trao đổi thông tin với người dân thông qua kênh Zalo, phần mềm của Tổng đài 1022, số hóa toàn bộ hồ sơ hành chính trong lĩnh vực tư pháp.

Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo, điều hành, ứng dụng chữ ký số, gửi nhận văn bản điện tử được thực hiện toàn bộ trên môi trường mạng (gửi nhận khoảng 84 ngàn văn bản điện tử), đảm bảo an toàn thông tin cho các hệ thống, hạ tầng thông tin của ngành Tư pháp.

* Tiếp tục đẩy mạnh CĐS

Những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng dịch vụ công của ngành Tư pháp, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch, đơn giản hóa, đa dạng hóa và tạo sự thuận lợi, dễ dàng tiếp cận các thủ tục hành chính; tăng cường dịch vụ công trực tuyến đi cùng với nâng cấp hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu chuyên ngành, góp phần hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh; kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, ngành Tư pháp Đồng Nai cũng gặp phải những vướng mắc như: một bộ phận công chức, viên chức còn hạn chế nhận thức về CĐS nên có tâm lý ngại thay đổi, chậm ứng dụng công nghệ trong giải quyết công việc; trang thiết bị xuống cấp nên chưa đồng bộ, chưa đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật chung, hệ thống hạ tầng mạng chưa ổn định, phần mềm còn phát sinh nhiều lỗi, chưa kết nối hiệu quả giữa các cơ sở dữ liệu, người dân và doanh nghiệp chưa được tuyên truyền sâu rộng về các lợi ích, cơ hội tiếp cận và bình đẳng trong các dịch vụ tiện ích do CĐS mang lại nên tỷ lệ khai thác, sử dụng các dịch vụ, sản phẩm do CĐS của ngành Tư pháp cung cấp còn thấp.

Để hoàn thành các nhiệm vụ của CĐS đặt ra từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Tư pháp Đồng Nai sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến công chức, viên chức về tầm quan trọng của CĐS; khuyến khích, sẵn sàng tiếp nhận sản phẩm, giải pháp, mô hình số, thúc đẩy phương thức quản lý mới; hoàn thiện việc CĐS trong các lĩnh vực quản lý của ngành; tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật của người dân; nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, đảm bản an toàn thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành về vi bằng, về xử lý vi phạm hành chính, về bổ trợ tư pháp và hộ tịch lịch sử…

Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, ngành Tư pháp Đồng Nai phấn đấu hoàn thành việc triển khai các hoạt động CĐS trong các lĩnh vực quản lý, góp phần trực tiếp vào việc hoàn thành nhiệm vụ CĐS của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung.

Võ Thị Xuân Đào
Giám đốc Sở Tư pháp

 

 

Tin xem nhiều