Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngăn chặn, đẩy lùi tai nạn giao thông từ gốc

Đặng Ngọc
08:06, 19/10/2023

Số vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trong 9 tháng của năm 2023 tăng cao ở cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, 9 tháng qua, toàn tỉnh xảy ra 232 vụ TNGT đường bộ, làm chết 205 người, bị thương 116 người. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ TNGT tăng 82 vụ, số người chết tăng 81 người, số người bị thương tăng 42 người.

Phần lớn các vụ TNGT xảy ra trên đường bộ, đặc biệt là tại các tuyến quốc lộ, đường tỉnh, đường nội ô có lưu lượng xe đông đúc; hạ tầng giao thông xuống cấp, chật hẹp; ý thức tuân thủ pháp luật giao thông của người tham gia giao thông chưa cao; các lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp đến TNGT như: vi phạm nồng độ cồn, tốc độ, đi sai làn đường, thiếu chú ý quan sát… vẫn còn nhiều. Đây là những lý do chính khiến TNGT tăng cao tại Đồng Nai trong thời gian qua, mặc dù ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp để ngăn chặn, kéo giảm TNGT.

Để giảm nguy cơ và mức độ mất an toàn giao thông như hiện nay, giải pháp quan trọng hàng đầu là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Do đó, công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông rất quan trọng. Công tác tuyên truyền cần có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những đối tượng thường xuyên tham gia giao thông như:  tài xế, người lao động, học sinh, sinh viên… Hình thức tuyên truyền cần đổi mới, ngoài tuyên truyền trực tiếp, còn tăng cường tuyên truyền qua các kênh báo chí, mạng xã hội…

Muốn tạo chuyển biến trong ý thức chấp hành pháp luật giao thông, công tác tuần tra kiểm soát, hướng dẫn, điều tiết giao thông, xử lý các hành vi vi phạm giao thông của lực lượng chức năng rất quan trọng, nhất là tại những tuyến đường, giao lộ thường xuyên xảy ra TNGT, ùn tắc giao thông, đường xuống cấp… Công tác này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục, cơ động, không chỉ vào giờ cao điểm mà linh động tại các thời điểm khác nhau trong ngày. Việc xử lý vi phạm giao thông phải được thực hiện thực sự quyết liệt theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; trong đó cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên phải nêu gương.

Bên cạnh đó, công tác rà soát, nâng cấp hạ tầng giao thông; hoàn thiện hệ thống biển báo, đèn tín hiệu, bảng cảnh báo tai nạn; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành, điều tiết giao thông cũng góp phần không nhỏ trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật về giao thông.

Chỉ khi nào tất cả mọi người nâng cao ý thức và trách nhiệm, tự giác chấp hành pháp luật giao thông thì mới có thể ngăn ngừa, hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra; đảm bảo an toàn cho mọi người, mọi nhà.

         Đặng Ngọc

 

Tin xem nhiều