Thời qua, nhiều vụ vi phạm pháp luật trên không gian mạng được cơ quan chức năng xử lý nghiêm, thậm chí có vụ xử lý hình sự. Qua đó cho thấy động thái quyết liệt của cơ quan chức năng trong việc lập lại an ninh trật tự (ANTT) trên không gian mạng, không thể để những hành vi vi phạm pháp luật tràn lan trên không gian mạng, ảnh hưởng tiêu cực đến cộng đồng, nhất là giới trẻ.
Gần nhất, vào ngày 19-10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố người mẫu Trần Thị Ngọc Trinh (34 tuổi) về tội gây rối trật tự công cộng. Cơ quan công an xác định người mẫu Ngọc Trinh chưa có bằng lái xe A2 nhưng vẫn cùng huấn luyện viên lái xe tổ chức, thực hiện hành vi điều khiển mô tô phân khối lớn với các động tác lái xe nguy hiểm, phản cảm. Cả hai còn cho tổ chức quay phim, biên tập lại rồi đăng các clip này lên các tài khoản mạng xã hội có số lượng người theo dõi lớn gây tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến ANTT trên không gian mạng.
Trước đó, ngày 21-9, TAND TP.HCM đã tuyên phạt bà Nguyễn Phương Hằng, Giám đốc Công ty CP Đại Nam (tỉnh Bình Dương) mức án 3 năm tù về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Khoản 2, Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo Hội đồng xét xử, hành vi của bị cáo vi phạm Luật An ninh mạng năm 2018 và Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng; gây ảnh hưởng xấu đến ANTT, an toàn xã hội.
Trước sai phạm ngày càng nhiều của giới nghệ sĩ trên mạng xã hội, cơ quan chức năng đang hoàn thiện quy trình xử lý các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc ứng xử, vi phạm đạo đức xã hội trên mạng xã hội. Mục đích nhằm hạn chế sự xuất hiện của các nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn, vi phạm pháp luật trên sóng truyền hình, báo chí và các sân khấu nghệ thuật biểu diễn.
Để lập lại ANTT trên không gian mạng, ngoài việc xử lý nghiêm sai phạm; cập nhật, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến an ninh mạng, quy tắc ứng xử, cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật liên quan đến an toàn, an ninh mạng sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong nhóm đối tượng thường xuyên sử dụng mạng xã hội (học sinh, sinh viên, người lao động), người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội (nghệ sĩ, ca sĩ, KOLs - người nổi tiếng trên mạng xã hội). Tăng cường hình thức tuyên truyền qua mạng xã hội để thông điệp về an toàn, an ninh mạng được lan tỏa, từng bước chấn chỉnh, hạn chế những sai phạm trên không gian mạng do thiếu hiểu biết pháp luật; xây dựng văn hóa ứng xử văn minh trên mạng; góp phần xây dựng môi trường mạng an toàn, lành mạnh.
Thư Ngọc
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin