Thời gian qua, khi lực lượng cảnh sát giao thông tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn với người tham gia giao thông đã khiến nhiều người không còn dám lái xe sau khi uống rượu, bia. Đây là một tín hiệu tích cực trong việc chấn chỉnh trật tự, an toàn giao thông theo chủ đề Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn do Ban An toàn giao thông tỉnh đề ra.
Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển xe máy trên quốc lộ 51 (TP.Biên Hòa). Ảnh: Đ.Tùng |
* Dần thay đổi “thói quen” xấu
Thống kê từ Bộ Công an, trong 9 tháng của năm 2023, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý hơn 550 ngàn trường hợp vi phạm nồng độ cồn, chiếm hơn 22% số trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông toàn quốc. Riêng tại Đồng Nai, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 15,3 ngàn trường hợp vi phạm nồng độ cồn (tăng hơn 9,5 ngàn trường hợp so với cùng kỳ năm 2022). Qua đó, xử phạt gần 72 tỷ đồng, tạm giữ hơn 15,3 ngàn phương tiện (hơn 15,1 ngàn xe máy), tước hơn 9,6 ngàn giấy phép lái xe.
Qua phân tích của lực lượng chức năng, ở mức 1 (nồng độ cồn chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở) có hơn 7,4 ngàn trường hợp; ở mức 2 (nồng độ cồn vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở đến 0,4 miligam/1 lít khí thở) có gần 2,7 ngàn trường hợp. Riêng ở mức độ 3 (nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở) lên đến hơn 5 ngàn trường hợp.
Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia TRẦN HỮU MINH nhận định, việc xử lý vi phạm nồng độ cồn quyết liệt đã nâng cao hiệu quả, ngăn chặn các hành vi dẫn đến tai nạn giao thông. Việc xử lý nghiêm các vi phạm đã góp phần giảm bớt tình trạng lái xe sau khi đã uống rượu, bia; dần hình thành thói quen “đã uống rượu, bia thì không lái xe”. |
Chính nhờ sự cương quyết của lực lượng chức năng mà thời gian gần đây, ý thức và thói quen của người dân đã được thay đổi tích cực. Cụ thể là nhiều người chọn đi taxi, xe ôm hoặc nhờ người nhà đến đón về chứ ít có trường hợp tự chạy xe về sau khi đã uống rượu, bia như thời gian trước đây. Ngay cả ở các buổi tiệc cưới vào ban ngày, nhiều người đã chủ động chọn thức uống khác thay vì bia, rượu để có thể chạy xe về nhà mà không lo bị phạt.
Mặt khác, một số tài xế taxi hoạt động tại TP.Biên Hòa cho hay, lượng khách đi taxi từ các nhà hàng, quán ăn trong 2 tháng qua tăng hơn 20%. Phần lớn đều vì ngại việc kiểm tra nồng độ cồn của lực lượng cảnh sát giao thông cùng những hệ lụy khi bị phát hiện vi phạm.
Anh N.V.D.A. (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho biết: “Nhiều khi bạn bè rủ tới các quán gần nhà nhậu, tôi cũng gọi xe ôm hoặc đi bộ. Việc này vừa để an toàn cho bản thân khi ra về, vừa ăn uống thoải mái hơn. Lâu dần cũng thành thói quen, không chỉ tôi mà nhiều người xung quanh cũng chọn biện pháp này khi có việc dùng bia, rượu”.
* Tiếp tục siết chặt xử lý trong những tháng cuối năm
Mặc dù lực lượng chức năng đã làm rất nghiêm nhưng thực tế vẫn còn không ít trường hợp cố tình lái xe sau khi đã uống rượu, bia. Thậm chí, một số người đi xe máy còn luồn lách qua các ngõ hẻm, đi ngược chiều để tránh né tổ kiểm tra nồng độ cồn ở các giao lộ.
Cụ thể, đã có 235 trường hợp không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn trên toàn tỉnh trong 9 tháng của năm 2023. Nghiêm trọng hơn, khi phát hiện lực lượng chức năng từ xa, một số người còn liều lĩnh tăng tốc “vượt mặt” tổ kiểm tra. Hoặc trường hợp, dù lực lượng cảnh sát giao thông đã thổi còi yêu cầu dừng lại nhưng họ vẫn tìm cách lách qua lực lượng chức năng để tránh né bị kiểm tra nồng độ cồn.
Để tiếp tục siết chặt việc xử lý vi phạm nồng độ cồn, Giám đốc Công an tỉnh, thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh và công an các địa phương tập trung các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông những tháng cuối năm. Lãnh đạo công an các địa phương phải trực tiếp kiểm tra công tác tuần tra, kiểm soát giao thông; huy động tối đa lực lượng ra quân tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, tuyệt đối không để bất cứ ai can thiệp vào công tác xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.
Đặc biệt, từ cuối tháng 8-2023 đến nay, các tổ công tác (gồm nhiều đơn vị) thuộc Bộ Công an đã trực tiếp kiểm soát, phát hiện, lập biên bản hơn 3 ngàn trường hợp vi phạm nồng độ cồn trên toàn quốc (có cả tỉnh Đồng Nai). Trong đó, có 160 trường hợp là công nhân viên chức, cán bộ lực lượng vũ trang, nhà báo… Các trường hợp là cán bộ, công nhân viên chức vi phạm nồng độ cồn sẽ được xác minh và gửi thông báo về cơ quan, đơn vị để có hình thức xử lý riêng.
Đăng Tùng
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin