Báo Đồng Nai điện tử
En

Xử lý tài sản riêng khi vợ chồng không có tài sản chung

Đoàn Phú
08:16, 15/09/2023

Pháp luật không bắt buộc vợ hoặc chồng phải sáp nhập tài sản riêng có trước hôn nhân vào khối tài sản chung. Thực tế vẫn xảy ra những trường hợp khi tiến tới hôn nhân, tuy vợ chồng không hợp nhất tài sản riêng thành tài sản chung nhưng vẫn không tránh khỏi sự tranh chấp tài sản khi ly hôn.

Luật sư Nguyễn Khoa Quyền (Đoàn Luật sư tỉnh) tư vấn cho người dân xã Phú Cường (H.Định Quán) về phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Ảnh: Đ.Phú
Luật sư Nguyễn Khoa Quyền (Đoàn Luật sư tỉnh) tư vấn cho người dân xã Phú Cường (H.Định Quán) về phân chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn. Ảnh: Đ.Phú

* Tình chung, tài sản riêng

Trước khi kết hôn với bà N.T.N. (ngụ H.Vĩnh Cửu), ông M.P.L. (ngụ cùng địa phương) có một khu đất rộng trên 2 sào (do ông đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Sau khi kết hôn, ông L. đồng ý để vợ bỏ số tiền trên 3 tỷ đồng (tài sản riêng của bà N.) đầu tư xây nhà trọ trên đất của mình để kinh doanh và thỏa thuận với nhau (không lập văn bản), vợ chồng là vợ chồng nhưng tài sản của ai thì của riêng người đó quản lý, định đoạt.

Năm 2019, ông L. và bà N. ly hôn. Lúc này, ông L. yêu cầu bà N. dỡ nhà trả lại đất cho ông, nhưng bà N. không đồng ý. Do nhiều lần yêu cầu bà N. trả đất không được, ông L. âm thầm tìm người chuyển nhượng 2 sào đất khiến bà N. bức xúc dẫn tới tranh chấp.

Tương tự, ông V.M. và bà H.K.G. (đều ngụ H.Cẩm Mỹ) có gia đình riêng và đã ly hôn nên khi kết hôn với nhau cả hai cũng sống trong cảnh tình chung nhưng tài sản thì riêng. Cũng vì tiền ai nấy giữ nên khi ông M. đề nghị bà G. mỗi người bỏ ra 1 tỷ đồng để hùn vốn kinh doanh thì bà G. không đồng ý. Bà G. nói với ông M., việc ông làm ăn là chuyện riêng của ông, bà không quan tâm hay can thiệp. Đến khi ông M. bỏ trốn vì đầu tư thua lỗ, bà G. phải đau đầu khi liên tục bị các chủ nợ yêu cầu trả nợ thay chồng.

“Các chủ nợ nói với tôi, chuyện vợ chồng tôi thỏa thuận tình chung, tài sản riêng ra sao họ không cần biết. Họ chỉ biết tôi là vợ ông M. và hiện nay tôi có nhiều tài sản giá trị nên buộc phải trả nợ thay cho chồng. Vậy tôi phải làm sao để chứng minh việc mình không liên quan gì tới các khoản nợ của ông M.?” - bà G. thắc mắc.

* Pháp luật giải quyết ra sao?

Theo luật sư ĐỖ VĂN GỌN (Hội Luật gia tỉnh), hiện tại không có quy định nào ngăn cấm việc vợ chồng đưa tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân vào tài sản riêng. Tuy nhiên, việc đưa tài sản chung vào tài sản riêng đó phải hợp pháp và không thuộc trường hợp Điều 42 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 xác định bị vô hiệu như: ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; trốn tránh nghĩa vụ với bên thứ 3.

Trường hợp giữa bà N. và ông L., theo luật sư Cao Sơn Hà (Đoàn Luật sư tỉnh), do hai bên phân biệt rõ đất của ông L., còn nhà trọ của bà N. nên khi phân chia tài sản thì pháp luật cũng bắt buộc từng bên chứng minh được đó là tài sản riêng hợp pháp của mình có trước hôn nhân hoặc trong thời kỳ hôn nhân như: được cha mẹ cho riêng, tạo dựng từ tài sản riêng của mình trước hôn nhân... Còn nếu không chứng minh được thì tài sản đó được xem là tài sản chung của vợ chồng tạo lập được trong hôn nhân nên đành phải phân chia mỗi người một phần bằng nhau. Còn khi họ chứng minh được đó là tài sản riêng của từng người thì lại phát sinh rắc rối là bà N. không thể dời nhà ra khỏi đất của ông L. được.

“Do đó, nếu ông L. và bà N. không tự thỏa thuận được cách phân chia thì nhờ pháp luật phân chia theo hướng: bà N. định giá trị tài sản rồi yêu cầu ông L. mua lại, hay ông L. định giá trị đất rồi yêu cầu bà N. thanh toán tiền. Hoặc cả 2 chuyển nhượng cho bên thứ 3 toàn bộ giá trị nhà và đất, sau đó phần của ai người đó nhận” - luật sư Cao Sơn Hà hướng dẫn.

Còn với trường hợp ông M. và bà G., theo luật sư Đỗ Văn Gọn (Hội Luật gia tỉnh), việc các chủ nợ của chồng đòi bà trả nợ thay khi thấy bà có tài sản không có gì bất hợp lý. Bởi vì, việc thỏa thuận về tài sản riêng giữa vợ chồng bà, chỉ có 2 ông bà biết với nhau, họ không thể biết. Do đó, bà phải chứng minh được các tài sản bà đang nắm giữ là tài sản riêng của bà; đồng thời, việc ông G. góp vốn làm ăn kinh doanh và vỡ nợ không có liên quan gì tới bà.

Muốn vậy, bà G. phải chứng minh được việc xác lập giao dịch giữa ông M. với các chủ nợ không có sự thỏa thuận của bà; đó không phải là giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của vợ chồng; nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình… theo Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

“Ngược lại, trong trường hợp bà G. không chứng minh được thì pháp luật bắt buộc bà phải có nghĩa vụ trả ½ số nợ cho chồng bằng tài sản riêng của bà khi vợ chồng bà không có tài sản chung” - luật sư Đỗ Văn Gọn giải thích.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều