Gần đây, tình trạng lừa đảo liên quan đến việc gọi điện thoại hoặc gọi qua mạng xã hội đặt tiệc, đặt hàng tại các nhà hàng, cửa hàng ở khu vực nông thôn diễn ra khá phổ biến.
Ông Duy Sáu (phải), chủ Cửa hàng kinh doanh phân bón Duy Sáu (xã Sông Ray) rất bức xúc khi các đối tượng lừa đảo nhắn tin làm phiền. Ảnh: Đinh Tài |
Thủ đoạn chủ yếu của các đối tượng là không gặp trực tiếp mà chỉ gọi điện thoại hoặc gọi qua mạng xã hội để đặt hàng, nhờ chuyển khoản và chiếm đoạt tiền rồi “mất tích”.
* “Bẫy” lừa đảo từ các đơn hàng online
Theo Công an tỉnh, các đối tượng “diễn” trò lừa đảo theo kịch bản rất tinh vi, thông tin đưa ra rất logic và thuyết phục. Các đối tượng sử dụng nhiều số điện thoại, Zalo liên tục gọi điện, nhắn tin thúc giục làm cho bị hại rơi vào trạng thái tâm lý bị dồn ép và làm theo yêu cầu của chúng đưa ra. Ngoài ra, các đối tượng còn làm giả thông tin đã giao dịch chuyển tiền thành công để lừa bị hại.
Cuối tháng 4-2023, bà T.H. (chủ quán ăn V.A., đóng tại TT.Trảng Bom, H.Trảng Bom) trình báo cơ quan công an về việc có một người tự xưng tên Vũ, giáo viên một trường THCS ở H.Trảng Bom gọi điện đặt món ăn và 40 thùng rượu vang Pháp để tiếp khách. Vì khách đặt số lượng lớn nên bà H. yêu cầu người này chuyển tiền trước. Chỉ 10 phút sau, người này đã gửi một bản giao dịch giả qua Zalo thể hiện đã chuyển thành công số tiền hơn 420 triệu đồng đến tài khoản của chồng bà H. Về nguồn rượu, người này yêu cầu bà H. liên hệ tài khoản Zalo có tên Royal Wine để mua.
Vì chưa thấy tiền khách chuyển vào nên bà H. gọi điện đến ngân hàng hỏi thì được biết, các hoạt động giao dịch vào ngày cuối tuần có thể bị chậm trễ. Tin tưởng “khách hàng” đã chuyển khoản cho mình, bà H. liên hệ tài khoản Zalo Royal Wine đặt mua 40 thùng rượu vang Pháp và chuyển khoản 2 lần vào tài khoản đối tượng cung cấp với số tiền tổng cộng là 300 triệu đồng. Sau đó, đối tượng tên Vũ tiếp tục yêu cầu bà H. đặt mua thêm 50 thùng rượu và cho biết đã chuyển khoản cho bà hơn 500 triệu đồng. Nghi ngờ bị lừa đảo, bà H. gọi vào số điện thoại đối tượng thì bị cắt liên lạc.
Công an tỉnh khuyến cáo người dân khi mua hàng hoặc nhận đơn đặt hàng qua mạng cần cẩn trọng, tuyệt đối không chuyển tiền cho những người chưa có sự tin tưởng, không quen biết hoặc nhân thân không rõ ràng. Khi phát hiện sự việc có dấu hiệu lừa đảo, cần báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời điều tra, xử lý. |
Ngoài ra, có nhiều đối tượng tự xưng cán bộ công an, quân đội, viện kiểm sát… gọi điện lừa đảo với nhiều kịch bản, thủ đoạn tinh vi. Đơn cử, ngày 15-8, chị Nguyễn Thị Thương, chủ Cửa hàng kinh doanh sơn Thái Khương (TT.Long Giao, H.Cẩm Mỹ) nhận được điện thoại Zalo từ một người tự xưng tên Nguyễn Xuân Hòa, “cán bộ công an phòng cháy, chữa cháy H.Cẩm Mỹ” đặt mua sơn tường. Sau khi đã thỏa thuận bảng màu, chị Thương gửi hóa đơn tiền mua sơn là 13 triệu đồng qua Zalo cho Hòa.
Sau đó, đối tượng Hòa nhắn tin cho chị Thương về việc có đoàn lãnh đạo Công an tỉnh xuống kiểm tra việc sơn sửa trụ sở và ở lại nên nhờ đặt mua 16 tấm nệm cao su. Đối tượng đã giới thiệu một cửa hàng nệm để chị Thương đặt mua, nhờ chị Thương chuyển khoản thanh toán giùm và đối tượng hứa sẽ trả lại ngay sau đó. Nghi ngờ đối tượng lừa đảo, chị Thương đã trình báo cơ quan chức năng.
Tương tự, chỉ trong vòng 1 tháng, ông Nguyễn Duy Sáu, chủ Cửa hàng phân bón Duy Sáu (xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ) đã 3 lần bị các đối tượng giả danh sĩ quan ở Ban Chỉ huy quân sự H.Xuân Lộc và Ban Chỉ huy quân sự H.Cẩm Mỹ gọi điện lừa đảo.
Ông Sáu kể, trong tháng 8-2023, các đối tượng đã gọi điện đặt mua gần 10 tấn phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Để tạo niềm tin, các đối tượng gửi hình tăng gia sản xuất của các chiến sĩ bộ đội cho ông Sáu xem. Sau khi xác minh, phát hiện các đối tượng giả danh lừa đảo nên ông Sáu trình báo công an.
* Tuyệt đối không chuyển tiền cho người lạ
Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh), hiện các đối tượng lừa đảo qua mạng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn nên nhiều người dân, nhất là chủ các cơ sở kinh doanh, chủ nhà hàng ăn uống… dễ “dính bẫy”. Đặc biệt, thời gian gần đây, các đối tượng ngày càng mở rộng hướng hoạt động về các vùng quê.
Phó trưởng Công an H.Cẩm Mỹ, thiếu tá Đoàn Văn Tuấn cho biết, thời gian qua, tại H.Cẩm Mỹ xảy ra tình trạng một số đối tượng lợi dụng danh nghĩa lực lượng công an, quân đội để liên hệ với người dân mua bán hàng hóa với mục đích lừa đảo, thu lợi bất chính. Trước tình hình trên, Công an huyện đã chỉ đạo lực lượng công an các xã, thị trấn phối hợp với địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác về các thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo.
“Hiện nay, Công an huyện không có chủ trương mua bán, giới thiệu về các sản phẩm nên người dân cần cảnh giác để tránh bị lừa. Đặc biệt, cơ quan chức năng khi làm việc sẽ không thông qua điện thoại hoặc các trang mạng xã hội mà sẽ liên hệ trực tiếp. Do đó, người dân không nên tin tưởng các đối tượng lạ để tránh tiền mất tật mang” - thiếu tá Đoàn Văn Tuấn khuyến cáo.
Tố Tâm - Đinh Tài
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin