Mới đây, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã tổ chức hội nghị góp ý các dự án luật: Luật Căn cước; Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở để trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới.
Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quản Minh Cường phát biểu tại hội nghị góp ý các dự án luật. Ảnh: T.DANH |
Tại hội nghị, các đại biểu đều đồng tình với việc cần sớm ban hành các dự án luật để góp phần giải quyết các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đối với các lĩnh vực nói trên.
* Sự cần thiết ban hành luật
Trình bày tại hội nghị, đại tá Trần Anh Sơn, Phó giám đốc Công an tỉnh cho biết, hiện lực lượng công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng của toàn tỉnh có 4.287 biên chế, bố trí ở 170 xã, phường, thị trấn. Đây là lực lượng thường trực trong dân, nắm sâu sát, khá toàn diện tình hình, mâu thuẫn, xung đột liên quan đến an ninh trật tự (ANTT) ở cơ sở. Đây cũng là lực lượng trực tiếp tham gia cùng với công an chính quy trấn áp tội phạm, đảm bảo ANTT, bảo vệ hiện trường, cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân...
Từ thực tế đó, việc xây dựng, ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trên cơ sở thống nhất lực lượng công an xã bán chuyên trách, bảo vệ dân phố, dân phòng xuất phát từ yêu cầu thực tiễn khách quan của nhiệm vụ bảo đảm ANTT ở cơ sở.
Đối với dự án Luật Căn cước, các đại biểu cho rằng, đây là dự án luật rất quan trọng, chứa đựng nhiều quy định mang tính kỹ thuật, công nghệ, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Chính vì vậy, việc sớm ban hành luật sẽ góp phần tạo bước đột phá về chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ số, xã hội số ở Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị góp ý 3 dự án luật do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức vào ngày 20-9, Phó bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh QUẢN MINH CƯỜNG đề nghị, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu, các tham luận của đại diện các sở, ngành, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tập hợp gửi ban soạn thảo bổ sung, hoàn chỉnh các dự án luật để trình Quốc hội tại kỳ họp sắp tới. Khi các dự án luật được thông qua, các đại biểu cần tích cực tham gia tuyên truyền để việc triển khai các luật đạt hiệu quả.
Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu cho rằng, dự thảo Luật Căn cước đã thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về căn cước nhằm tạo bước đột phá về chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời, luật bổ sung một số quy định liên quan đến quyền con người, quyền công dân như: quy định về khai thác, sử dụng thông tin trên thẻ căn cước; bổ sung một số trường thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... Từ đó, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra hiện nay, góp phần tạo bước đột phá về chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ số, xã hội số ở nước ta.
Cùng quan điểm này, Phó giám đốc Sở Tư pháp Phan Quang Tuấn cho rằng, với việc sửa đổi tên gọi, phạm vi điều chỉnh và bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân, đặc biệt là bổ sung đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước là người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch là vấn đề cần thiết. Đây là vấn đề có tính lịch sử, đã tồn tại lâu nay ở nước ta nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng, đến nay chưa có bất kỳ văn bản luật nào giải quyết cơ bản, đầy đủ vấn đề này.
Đối với Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, ông Nguyễn Văn Lợi (Hội Cựu chiến binh tỉnh) cho rằng, việc ban hành luật là cần thiết nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quốc phòng, tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự, góp phần giải quyết kịp thời các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn.
* Điều chỉnh luật phải khả thi, hiệu quả
Đối với nội dung các dự án luật, nhiều đại biểu cũng đã phân tích, làm rõ và kiến nghị sửa đổi một số nội dung cho phù hợp với thực tiễn.
Như dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, một số đại biểu cho rằng, cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật để bao quát hết các lực lượng có tính chất tự nguyện, tự quản tham gia hỗ trợ công an cấp xã.
Tuy nhiên, theo đại tá Trần Anh Sơn, mục tiêu của việc xây dựng luật này được Chính phủ xác định nhằm tạo cơ sở pháp lý để sắp xếp, kiện toàn lại 3 lực lượng: bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách thành một tổ chức với chức năng, nhiệm vụ tập trung, làm nòng cốt trong hỗ trợ công an chính quy bảo vệ ANTT ở cơ sở. Do đó, Bộ Công an cho rằng, nếu mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với lực lượng thuộc các tổ chức hội, đoàn thể, lực lượng tình nguyện, tự quản, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, bảo vệ chung cư… sẽ không phù hợp về vị trí, vai trò, cũng như tính chất hoạt động giữa lực lượng do chính quyền thành lập với lực lượng hoạt động tự quản hoặc theo hợp đồng dịch vụ bảo vệ.
Bên cạnh đó, sắp xếp, kiện toàn 3 lực lượng sẵn có nêu trên thành một lực lượng thống nhất sẽ góp phần tinh gọn đầu mối, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả và thống nhất trong chỉ đạo, điều hành, thực hiện nhiệm vụ.
Cùng góp ý với các dự án luật này, đại tá Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cho biết, trên thực tế có nhiều lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, trong đó có nữ tham gia. Trong Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, quy định về đối tượng không phân biệt nam, nữ là điều cần thiết. Ngoài ra, có nhiều đồng chí đã từng tham gia lực lượng vũ trang đã nghỉ hưu nên rất có kinh nghiệm đóng góp tích cực cho lực lượng công an.
Cho ý kiến về dự thảo Luật Căn cước, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lưu Thị Hà nhấn mạnh, việc lược bỏ cụm từ “công dân” trong tên gọi của dự án luật thành Luật Căn cước và bỏ cụm từ “công dân” trên thẻ căn cước không ảnh hưởng đến vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân và sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của luật.
Đối với nội dung thông tin ghi trên thẻ căn cước, bà Lưu Thị Hà cho biết, nhất trí như dự thảo luật chỉ nên ghi trên thẻ căn cước những thông tin chính và cần thiết nhất để thuận tiện trong quản lý nhà nước về dân cư mà không làm ảnh hưởng đến các thủ tục hành chính mà công dân phải thực hiện khi luật được Quốc hội thông qua.
Trần Danh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin