Thời gian qua, tình trạng người dân bị các đối tượng sử dụng các trang mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn xảy ra. Đặc biệt, các đối tượng đã dùng chiêu thức giới thiệu hình thức đầu tư tài chính, tiền ảo, chứng khoán để đánh lừa, chiếm đoạt tài sản của nhiều người.
Tin nhắn của các đối tượng lừa đảo gửi để dụ nạn nhân đầu tư kinh doanh tài chính trên không gian mạng. Ảnh: T.DANH |
Điều đáng nói, có những người am hiểu pháp luật, rành về công nghệ nhưng cũng “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo, đã bỏ tiền tỷ đầu tư và mất trắng.
* Mất tiền tỷ vì đầu tư tiền ảo
Theo cơ quan công an, mặc dù công tác tuyên truyền về phòng, chống tội phạm mạng được ngành chức năng liên tục thực hiện thông qua các kênh khác nhau nhưng nhiều người dân vẫn “sập bẫy” các đối tượng lừa đảo. Nguyên nhân một phần là bởi thủ đoạn của loại tội phạm này ngày càng tinh vi.
Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (PA05) Công an tỉnh đang thụ lý điều tra vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản hàng tỷ đồng thông qua các website kêu gọi đầu tư, kinh doanh trên không gian mạng.
Vào khoảng đầu tháng 8-2023, do muốn kiếm thêm thu nhập, chị T.B.M. (ngụ TP.Biên Hòa) có tìm hiểu các trang mạng đầu tư tiền ảo thông qua một website. Tại hệ thống trang web này, chị M. được nhân viên tư vấn hướng dẫn tạo tài khoản để tham gia đầu tư. Sau khi lập được tài khoản trên hệ thống, chị M. thường xuyên trao đổi với các nhân viên tư vấn thông qua tin nhắn bằng tiếng Anh để trao đổi về thủ tục đầu tư tiền ảo (USDT).
Ngày 3-8, chị M. chuyển số tiền hơn 7 triệu đồng vào tài khoản Ngân hàng V.B. để đầu tư. Khoảng 2 ngày sau, chị tiếp tục chuyển gần 50 triệu đồng vào tài khoản ngân hàng do một công ty khác đứng tên để tiếp tục đầu tư theo hướng dẫn của nhân viên tư vấn. Trong đợt này, chị M. đầu tư chủ yếu vào các loại tiền ETH, BTC... Sau khi đặt lệnh giao dịch với các loại tiền trên, chị M. thắng được số tiền ảo 2.000 USDT (tương đương 47 triệu đồng). Sau đó, chị M. đã rút số tiền trên để sử dụng.
9 tháng của năm 2023, PA05 Công an tỉnh đã tiếp nhận, thụ lý giải quyết 39 vụ lừa đảo trên không gian mạng do người dân trình báo. Số tiền các nạn nhân bị chiếm đoạt trong các vụ việc trên gần 60 tỷ đồng. Thủ đoạn các đối tượng thường lợi dụng để lừa đảo chủ yếu vẫn là đầu tư tiền ảo, chứng khoán; giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát… để chiếm đoạt tài sản; mua bán hàng online... |
Nhận thấy việc giao dịch tiền ảo có lãi cao và dễ dàng rút tiền về nên chị M. tiếp tục nộp tiền vào tài khoản để đầu tư. Thời gian sau, thấy số tiền thắng lên khoảng 250 ngàn USDT (tương đương 5,9 tỷ đồng), chị M. thực hiện lệnh rút tiền về tài khoản của mình, nhưng không thể thực hiện được vì trên hệ thống liên tục báo lỗi. Liên lạc với nhân viên tư vấn, chị M. được người này yêu cầu phải nộp thêm tiền vào tài khoản đầu tư mới có thể rút tiền lãi về.
Do sợ bị mất khoản tiền đã đầu tư cũng như khoản tiền lời lớn trong tài khoản của mình, chị M. tiếp tục nộp thêm tiền vào tài khoản theo sự hướng dẫn của các đối tượng tổng cộng 28 lần (trong đó lần ít nhất 7 triệu đồng, lần nhiều nhất 3 tỷ đồng) vào các tài khoản khác nhau với tổng số tiền lên đến hơn 12 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi nộp số tiền lớn vào các tài khoản để đầu tư tiền ảo nhưng không thể lấy lại được, chị M. mới biết mình đã bị lừa nên trình báo cơ quan công an.
* “Sập bẫy” kẻ gian khi đầu tư chứng khoán online
Cũng tham gia đầu tư tài chính trên các trang mạng theo lời mời gọi của các đối tượng lạ, chị N.Q. (ngụ TP.Biên Hòa) cũng bị lừa đảo 1,1 tỷ đồng.
Tin nhắn của các đối tượng lừa đảo gửi để dụ nạn nhân đầu tư kinh doanh tài chính trên không gian mạng. Ảnh: T.DANH |
Cuối tháng 3-2023, chị Q. nhận được cuộc điện thoại từ số máy lạ giới thiệu là nhân viên tư vấn và mời chị tham gia đầu tư chứng khoán.
Sau đó, chị Q. được thêm tên vào một nhóm Zalo có tên “Cafe chứng khoán”. Tại đây, hàng ngày các đối tượng đã gửi nhiều đường link hướng dẫn cho các thành viên trong nhóm tham gia đầu tư vào các lĩnh vực có thể sinh lời cao. Ngoài ra, chị Q. cũng được các nhân viên tư vấn hướng dẫn cách nộp tiền đầu tư và cung cấp hệ thống trang web để giao dịch, cách cài đặt các ứng dụng trên điện thoại.
Với sự hướng dẫn nhiệt tình của các nhân viên tư vấn, chị Q. đồng ý đầu tư. Từ ngày 8 đến 10-5, chị đã nhiều lần nộp tổng cộng 1,1 tỷ đồng vào tài khoản của các đối tượng cung cấp để đầu tư. Sau đó, chị thực hiện các giao dịch trên ứng dụng từ điện thoại thì lợi nhuận từ việc giao dịch tăng lên 2 tỷ đồng.
Thấy có tiền lời trong quá trình giao dịch, chị Q. rút tiền về tài khoản của mình nhưng không thể thực hiện được. Hệ thống máy liên tục báo lỗi, liên hệ với các nhân viên thì các đối tượng tìm cách trì hoãn và thông báo cho chị Q. nếu không tiếp tục nộp tiền vào tài khoản thì số tiền trong tài khoản sẽ bị mất. Nghi ngờ đây là hoạt động lừa đảo nên chị đã trình báo cơ quan công an.
Theo các cán bộ điều tra, hầu hết số tiền các bị hại nộp vào các tài khoản khác nhau, kể cả tài khoản mang tên công ty, tổ chức đều rất khó thu hồi lại. Sau khi các nạn nhân nạp tiền, phần lớn số tiền này được chia nhỏ phân tán, dịch chuyển đến nhiều tài khoản khác nhau. Ngoài ra, một số đối tượng còn dùng số tiền này vào việc đầu tư tiền ảo nên không thể thu hồi.
Cơ quan công an xác định, đối với những tài khoản ngân hàng do người Việt Nam đứng tên, phần lớn đều là những tài khoản không chính chủ. Trước khi thực hiện các màn lừa đảo, các đối tượng đều đã chuẩn bị sẵn những tài khoản để nhận tiền. Khi dòng tiền chuyển vào các tài khoản này thì nhanh chóng được chuyển sang các tài khoản khác để tẩu tán.
Trần Danh
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin