37 năm sửa máy nông nghiệp cho nông dân, thợ máy Ngô Đình Tiên (55 tuổi, ngụ ấp Đông Hải, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) được tiếng khéo tay trong việc "chẩn trị" những chiếc máy xới nằm đồng. Do đó, mỗi khi máy móc bị hỏng hóc, các nhà nông mời ông về sửa cho bằng được và khi máy nổ thì làm gà đãi ông.
37 năm sửa máy nông nghiệp cho nông dân, thợ máy Ngô Đình Tiên (55 tuổi, ngụ ấp Đông Hải, xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) được tiếng khéo tay trong việc “chẩn trị” những chiếc máy xới nằm đồng. Do đó, mỗi khi máy móc bị hỏng hóc, các nhà nông mời ông về sửa cho bằng được và khi máy nổ thì làm gà đãi ông.
Thợ máy Ngô Đình Tiên đang sửa máy tuốt lúa liên hợp của một nhà nông trong ấp Đông Hải, xã Hố Nai 3. |
Nhờ nghề sửa máy nông nghiệp, ông Tiên đã nuôi 6 con khôn lớn (trong đó có 2 con học đại học, cao đẳng nghề) và vợ bệnh ung thư kéo dài 8 năm trước khi qua đời. Ông Tiên tâm sự, 18 tuổi ông theo anh trai học nghề thợ máy nông nghiệp. Năm 22 tuổi, ông đã là thợ máy giỏi và bắt đầu xách đồ nghề đi khắp nơi trong tỉnh sửa máy nông nghiệp theo lời mời của nông dân.
Trước năm 1996, những chiếc máy xới, máy cày, máy bơm nước diesel cũ kỹ bị nông dân ép làm việc liên tục nên khó tránh chuyện hỏng hóc nằm bờ, nằm ruộng. Máy hư nằm đồng, mùa vụ hối thúc, nông dân đứng ngồi không yên, thợ sửa máy không dễ tìm. Đó là thời điểm ông Tiên được nhà nông đến nhà chầu chực mời về nhà sửa máy cho họ. Phụ tùng hư mà tận dụng, sửa chữa được thì ông hì hục gọt, giũa để sử dụng. Thứ gì không phục hồi được, ông cùng chủ máy chạy xe máy khắp các cơ sở bán phụ tùng ở TP.Biên Hòa tìm mua đem về cải tiến cho khớp với chiếc máy đang sửa.
Ông Tiên cho hay, máy cày, máy xới, máy tuốt lúa của nhà nông mỗi lần bị hỏng hóc như khối sắt nặng nằm ì giữa đồng không thể nào kéo lên bờ sửa được. Chuyện ông và chủ máy giăng bạt, bì bõm lội nước sửa máy từ sáng đến tối mịt chẳng có gì lạ, vì đó cũng là công việc thường gặp đối với những người thợ sửa máy nông nghiệp dạo như ông.
Nghề sửa máy nông nghiệp của ông Tiên cũng lắm chuyện vui buồn. Máy nằm đồng, chủ ruộng hối thúc chủ máy cày, xới đất cho nhanh để họ kịp xuống giống. Người thợ như ông Tiên buộc phải chong đèn sửa. Còn đồng bào dân tộc thiểu số thì quý máy xới, máy cày hơn con trâu trong chuồng nên khi nó nằm đồng lại mời bằng được ông Tiên đến sửa mới ưng cái bụng. Ruộng đồng nằm tít nơi rừng sâu, họ vẫn đến nhà ông chầu chực mời với cơm rượu bày sẵn mâm, tiền bạc sòng phẳng.
Hiểu máy móc, cảm thông cho nhà nông, ông Tiên chẳng ngại đường xa xách đồ nghề theo các chủ máy về với ruộng đồng. Có những chiếc máy quá cũ, sửa cả chục lần trong năm nhưng nhà nông vẫn chưa có điều kiện đổi máy mới. Cũng có những chiếc máy nhà nông xem như gia sản lại tự dưng nằm đồng, chỉ cần người thợ bỏ con ốc hư thôi, nhà nông đã xót như cơ thể bị gai đâm, ông Tiên vẫn chiều lòng họ mà giữ cho cái máy vẫn còn “zin” từng con ốc.
Nay máy móc nông nghiệp hiện đại, đắt tiền phủ đầy các cánh đồng, cơ sở sửa chữa máy nông nghiệp với phụ tùng có sẵn thì nhan nhản tại xã, huyện. Tuy vậy, nghề sửa máy nông nghiệp dạo của ông Tiên vẫn còn hữu dụng, vì uy tín của ông với nhà nông tỉnh Đồng Nai được xác lập suốt 37 năm nay vẫn còn sâu đậm. Cũng chính vì vậy, cảnh gà trống nuôi con của thợ máy Tiên không bị xơ xác, cho dù sức khỏe ông không còn tráng kiện như tuổi 20, 30. “Yêu nghề thì nghề không bao giờ phụ mình” - ông Tiên nói...
Đoàn Phú