Cứ đều đặn 5 ngày/tuần, cô Hoàng Thị Thanh Thảo (ảnh) đều thức dậy từ 4 giờ 30, chuẩn bị để hơn 5 giờ bắt đầu cuộc hành trình vượt gần 30km đường rừng đến với Trường mầm non ở ấp 4, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) để dạy cho các em nhỏ sinh sống trong ấp.
Cứ đều đặn 5 ngày/tuần, cô Hoàng Thị Thanh Thảo (ảnh) đều thức dậy từ 4 giờ 30, chuẩn bị để hơn 5 giờ bắt đầu cuộc hành trình vượt gần 30km đường rừng đến với Trường mầm non ở ấp 4, xã Mã Đà (huyện Vĩnh Cửu) để dạy cho các em nhỏ sinh sống trong ấp.
Đã hơn 7 năm, cô Thảo cứ lặn lội ngày đi gần 60km đường rừng khúc khuỷu để đến với lớp học mầm non cho trẻ em nghèo ở nơi này.
Cô Thảo kể: “Gọi là trường mầm non nhưng ở đây chỉ có 2 phòng học với hơn 40 em, hầu hết là con nhà nghèo. Có những em mới 3-4 tuổi buổi sáng tự dẫn nhau đến lớp, bụng còn đói meo vì ba mẹ đi đánh bắt cá từ tối chưa kịp về nên không có thức ăn sáng. Vậy là tôi và 2 cô trong trường lại vội vã nấu ăn cho các em ăn no bụng rồi mới học được”.
Đến gần trưa, các cô trong trường phải thay nhau kiếm củi nấu bữa trưa cho các bé. Đến giờ tan học buổi chiều có một số gia đình ba mẹ đi làm thuê về trễ, cô phải chở các bé về tận nhà rồi sau đó mới tất bật chạy gần 30km đường rừng về lo cho tổ ấm của mình. Băng qua rừng đến với lớp học ngày nắng còn đỡ, chứ ngày mưa đường thì trơn trượt, cây rừng ngả nghiêng rất cực khổ. Có những khi đang đi trong rừng mưa dông ập đến, cô Thảo đành trú tạm dưới tán cây rừng đợi cơn dông qua đi rồi mới về tiếp được thì trời đã tối mịt.
Vậy mà cô Thảo vẫn luôn vui vẻ: “Nếu còn đủ sức khỏe đi lại, tôi vẫn sẽ giữ nghề và không có ý định xin chuyển về trường gần, bởi lâu ngày gắn bó với các em nhỏ nghèo trong rừng tôi đã quen rồi”.
Hương Giang