Báo Đồng Nai điện tử
En

Ông Điểu Rô ở Bầu Sình

10:12, 07/12/2014

Năm 1990, gia đình ông Điểu Rô (dân tộc Chơro) rời xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh) đến lập nghiệp tại ấp Bầu Sình, xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc). Tại nơi ở mới, với tính cần cù, vợ chồng ông đã khai hoang được 2 hécta đất để phát triển trồng trọt.

Ông Điểu Rô (bên trái) đến thăm một hộ gia đình dân tộc Chơro trong xã được vay vốn  để chăn nuôi dê.
Ông Điểu Rô (bên trái) đến thăm một hộ gia đình dân tộc Chơro trong xã được vay vốn để chăn nuôi dê.

Năm 1990, gia đình ông Điểu Rô (dân tộc Chơro) rời xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh) đến lập nghiệp tại ấp Bầu Sình, xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc). Tại nơi ở mới, với tính cần cù, vợ chồng ông đã khai hoang được 2 hécta đất để phát triển trồng trọt. Nhưng do đất xám bạc màu, cộng thêm giống cây trồng cho năng suất thấp nên đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn và bị xếp vào diện xóa đói giảm nghèo của xã.

Bước ngoặt đến với gia đình ông Điểu Rô vào năm 2001 khi được chính quyền địa phương hỗ trợ vốn để mua 1 con bò, phân bón và cây tiêu giống. Nhờ được rèn luyện trong quân ngũ nên ông không ngại khó, ngại khổ. Sau 5 năm, từ con bò giống ban đầu, ông đã có 11 con bò, 5 sào tiêu cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, ông đã xây dựng được căn nhà cấp 4 rộng rãi, khang trang, mua được xe máy để làm phương tiện đi lại.

Bên cạnh kinh tế khá giả, ông Điểu Rô còn được biết đến là tấm gương sáng và đi đầu trong việc vượt qua những suy nghĩ lạc hậu về việc học. Cả 6 người con của ông Điểu Rô đều được ông tạo mọi điều kiện để đến trường. Trong đó, 4 người con lớn của ông đã tốt nghiệp đại học, có người là công chức nhà nước, làm nhân viên cho công ty nước ngoài hay tự mở công ty kinh doanh riêng. 2 người con nhỏ thì một đang là sinh viên năm nhất của Học viện Hành chính quốc gia cơ sở TP. Hồ Chí Minh, một người đang là học sinh THCS. “Lúc 2 con gái lớn vào đại học, gia đình tôi còn nghèo lắm nhưng trong hoàn cảnh khó khăn nhất, vợ chồng tôi vẫn động viên nhau cố bấm bụng tiết kiệm từng đồng, từng cắc trong chi tiêu, ăn uống hàng ngày để có đủ tiền chu cấp cho các con đang theo học tại TP.Hồ Chí Minh. Đến nay, công sức của vợ chồng tôi đã được đền đáp bằng chính cuộc sống ổn định của các con” - ông Điểu Rô nói.

Bên cạnh đó, với trách nhiệm là Tổ trưởng nhân dân số 4, Tổ trưởng vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội, ông Điểu Rô còn là cầu nối cho những hộ nghèo trong ấp tiếp cận với nguồn vốn vay phát triển kinh tế. Nhờ sự tận tình của ông mà 90 hộ nghèo của ấp đã vay được vốn để chăn nuôi gia súc hay buôn bán nhỏ lẻ giúp cải thiện đời sống gia đình. Bản thân ông cũng thường xuyên tìm đến các hộ dân trong ấp để tư vấn những kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt giúp bà con nâng cao hiểu biết trong lao động để mang lại thu nhập cao.

Sông Thao

 

 

Tin xem nhiều