Báo Đồng Nai điện tử
En

Về hưu chưa "rửa tay gác kiếm"

09:11, 12/11/2014

Đó là bà Trần Thị Hòa (thường gọi là bà Ba Hòa) - người chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt, giam cầm, tra tấn gần 10 năm và cũng là người hết mình với hoạt động phong trào.

Đó là bà Trần Thị Hòa (thường gọi là bà Ba Hòa) - người chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt, giam cầm, tra tấn gần 10 năm và cũng là người hết mình với hoạt động phong trào.

Bà Trần Thị Hòa, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ cán bộ nữ hưu trí tặng hoa mừng thọ cho các hội viên.  Ảnh: Cẩm Tú
Bà Trần Thị Hòa, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ cán bộ nữ hưu trí tặng hoa mừng thọ cho các hội viên. Ảnh: Cẩm Tú

Sinh ra trong gia đình nghèo, lại đông anh chị em ở xã Long Hải, huyện Long Đất (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nên bà Trần Thị Hòa chỉ học hết lớp 3 là phải ở nhà trông em, phụ giúp cha mẹ việc nhà. Xứ Long Hải nằm ven biển, để có nước ngọt phục vụ sinh hoạt, hàng ngày bà phải đi gánh nước từ giếng cách nhà khá xa. Công việc nặng nhọc ấy đã đưa bà đến với con đường cách mạng. Bà Ba Hòa cho biết mỗi lúc đi gánh nước, bà lén giấu đôi thùng vào bụi cây, quan sát xung quanh, không thấy bọn lính là bà đi thẳng vào rừng để gặp gỡ cán bộ và du kích. Bà ngưỡng mộ trước phong thái đàng hoàng, lịch sự, ăn nói thuyết phục của những người làm cách mạng. “Mỗi lần được nghe nói chuyện cách mạng, tôi nghe đã cái lỗ tai, mê mệt như người nghiện” - bà Hòa nhớ lại.

Năm 16 tuổi, bà tham gia làm du kích xã. Thấy bà lanh lẹ nên cấp trên đã bố trí bà làm công tác vận động quần chúng. Giữa năm 1965, trong lúc vận động quần chúng đấu tranh, chi viện gián tiếp cho các mặt trận vũ trang, vận động thanh niên tòng quân... bà đã bị bắt. Gần 10 năm bị giam cầm tra tấn tại các nhà tù, như: Bà Rịa, Thủ Đức, Chí Hòa, Tân Hiệp, Chuồng Cọp - Côn Đảo nhưng bọn địch phải chào thua bởi ý chí kiên cường, sắt đá của bà. Đến khi Hiệp định Paris được ký kết, bà được trả tự do.

Sau ngày đất nước giải phóng, bà lần lượt tham gia làm cán bộ khung Trường đào tạo cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đồng Nai, cán bộ Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh. Từ năm 1987 bà được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh liên tiếp 3 nhiệm kỳ (III, IV và V).

Như có duyên nghiệp với phong trào, năm 2002 bà nghỉ hưu theo chính sách nhưng không  “rửa tay gác kiếm”. Bà tiếp tục giữ nhiệm vụ Trưởng ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tỉnh để giúp đỡ những cựu tù chính trị năm xưa. Song song đó, bà còn là Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ cán bộ hội phụ nữ hưu trí tỉnh, Chủ tịch danh dự Hội đồng bảo trợ nhân đạo chữ thập đỏ tỉnh... Dù đã lớn tuổi nhưng nhiệm vụ nào bà cũng đều dốc hết sức mình làm đến nơi đến chốn. Bởi bà luôn tâm niệm “sống không chỉ cho riêng mình mà cần có sự sẻ chia, cống hiến thì sống mới có ý nghĩa”.

Cẩm Tú

 

Tin xem nhiều