Báo Đồng Nai điện tử
En

Giữ nghề chổi truyền thống

07:09, 09/09/2013

Quê ở làng nghề làm chổi truyền thống xã Phú Bình (huyện Phú Tân, An Giang), 5 thành viên trong gia đình chị Trần Thị Ngọc Điệp gồm chồng và các con đều theo nghề làm chổi.

Chị Trần Thị Ngọc Điệp bán chổi tại chợ Bửu Hòa (TP. Biên Hòa).
Chị Trần Thị Ngọc Điệp bán chổi tại chợ Bửu Hòa (TP. Biên Hòa).

Quê ở làng nghề làm chổi truyền thống xã Phú Bình (huyện Phú Tân, An Giang), 5 thành viên trong gia đình chị Trần Thị Ngọc Điệp gồm chồng và các con đều theo nghề làm chổi. Mấy năm trở lại đây, làng nghề làm chổi gặp nhiều khó khăn, nhất là đầu ra cho sản phẩm nên vợ chồng chị quyết định khăn gói lên ngã tư Bình Phước (quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) thuê nhà trọ, tổ chức làm chổi và tự đưa đi tiêu thụ.

Gia đình chị làm rất nhiều chủng loại chổi, từ chổi quét nhà, quét sân, vườn, sàn nước... Chỉ riêng dòng chổi bông cỏ đã có đến dăm loại với kích cỡ và công dụng khác nhau, như: chổi quét bàn nước, kệ thờ, quét nhà. Giá bán lẻ các loại chổi này dao động từ 5-30 ngàn đồng/cái. Nhờ đa dạng về chủng loại nên sản phẩm của anh chị đáp ứng tốt nhu cầu người mua. Trung bình mỗi ngày, gia đình chị làm được cả trăm chổi các loại tùy theo mùa. Sản phẩm làm ra một phần được bỏ mối cho các tiểu thương ở các chợ, một phần anh chị tự đi bán lẻ cho người mua. Hàng ngày, khoảng 5 giờ sáng, vợ chồng chị đã chở chổi đi bỏ mối, phần còn lại mang bán dạo tại khu vực chợ Bửu Hòa (phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa). Hai vợ chồng chỉ bán vào phiên chợ sáng, chiều về làm chổi cho ngày bán hàng hôm sau. Nhờ chất lượng tốt nên mấy năm nay, chổi do gia đình chị làm được người tiêu dùng ưa chuộng. Chị Điệp chia sẻ: “Nghề làm chổi đã gắn bó với chị từ thời của bà, của mẹ. Đến nay, gia đình chị vẫn giữ nghề truyền thống đã gắn bó qua mấy thế hệ trong gia đình.”

Bình Nguyên

 

 

Tin xem nhiều