Sinh ra và sống ở TP.Biên Hòa, nhưng dì Tư được mọi người biết tiếng nhờ nghề bó chổi quê. Dì Tư tên thật là Lê Thị Kiều, 62 tuổi, nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, tháo vát.
Sinh ra và sống ở TP.Biên Hòa, nhưng dì Tư được mọi người biết tiếng nhờ nghề bó chổi quê. Dì Tư tên thật là Lê Thị Kiều, 62 tuổi, nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, tháo vát. Dì tự hào khoe, dù qua tuổi hưu đã lâu, nhưng dì vẫn đủ sức theo con lên rừng cắt chổi đực (tên gọi dân dã của một loại cây chuyên dùng bó chổi).
Nhờ chăm chỉ lao động nên ở tuổi 62, dì Tư vẫn nhanh nhẹn, khỏe khoắn. |
Chồng mất sớm, một mình dì Tư bươn chải đủ nghề để nuôi 2 con gái nhỏ. Khi còn trẻ, dì làm thợ hồ rồi trở thành công nhân vệ sinh môi trường. Thời đó, thấy người ta dùng loại cây này làm chổi quét, dì cũng đi cắt về tự bó chổi sử dụng trong công việc. Thấy chổi quét tốt, nhiều chị em cùng nghề đặt hàng. Giờ dì đã nghỉ hưu gần chục năm nhưng vẫn không rời nghề bó chổi. Mùa thu hoạch loại cây dùng làm chổi này chỉ kéo dài từ tháng 6 đến tháng giêng năm sau. Trước đây, chỉ cần ra các vùng đất trống ở ven thành phố để cắt loại cây này thì bây giờ phải mày mò tận các cánh rừng nhỏ ở Bình Dương, Tây Ninh mới tìm được. Cắt xong phải mất cả tuần phơi nắng, tuốt lá mới ra được nguyên liệu để bó chổi. Dịp này, mẹ con dì rất bận rộn, vừa bó chổi giao cho các mối hàng, vừa thu gom nguyên liệu trữ để dành cho những tháng sau.
Con gái dì theo nghề mẹ làm công nhân vệ sinh và cũng bó chổi khéo. Dì Tư chia sẻ: “20 năm cầm chổi quét đường là cũng chừng ấy năm tôi bó chổi nên hiểu rất rõ cách làm nên cây chổi tốt”. Chính vì vậy, không ít doanh nghiệp, công ty tìm đến tận nhà đặt hàng. Trung bình mỗi tháng, mẹ con dì bó được gần 200 chổi, dù thu nhập không cao nhưng cũng góp phần cải thiện kinh tế gia đình.
Bình Nguyên