Một đôi quang gánh với các loại bánh tráng nướng, nồi kẹo đường, dừa nạo và vài vật dụng khác là phương tiện mưu sinh của bà Võ Thị Thu. Quê gốc ở tỉnh Quảng Nam, gần 10 năm bà bán hàng rong tại TP. Biên Hòa.
Gần 8 giờ đêm, bà Võ Thị Thu vẫn ngồi ở góc đường bán bánh cho công nhân tan ca trễ. |
ột đôi quang gánh với các loại bánh tráng nướng, nồi kẹo đường, dừa nạo và vài vật dụng khác là phương tiện mưu sinh của bà Võ Thị Thu. Quê gốc ở tỉnh Quảng Nam, gần 10 năm bà bán hàng rong tại TP. Biên Hòa. Bà Thu kể, 5 người trong gia đình bà chỉ dựa vào nguồn thu từ 6 sào ruộng. Nên ở tuổi 45, người phụ nữ này lặn lội vào miền Nam làm việc với mong muốn tăng thêm thu nhập cho các con ăn học. Thời gian đầu, bà đến lò lấy các loại bánh tráng nướng rồi gánh đi bán dạo. Để tăng thêm thu nhập, bà làm thêm món bánh tráng kẹo đường, dừa nạo. Mỗi ngày, bà Thu gánh gần 40kg đi vài chục km, len lỏi khắp các ngõ phố từ xã Hóa An qua phường Bửu Hòa, xã Tân Hạnh.
Thường 9 giờ đêm, bà Thu mới về đến phòng trọ, lo thắng nước đường rồi mới nghĩ đến việc cơm nước, nghỉ ngơi. Chi phí ăn, ở của người phụ nữ chịu thương chịu khó này chỉ gói gém trong khoảng hơn 1 triệu đồng, còn lại bà dành dụm gởi về quê. Mỗi năm, bà Thu thường về quê khoảng 3 lần vào những mùa cày cấy, thu hoạch để phụ chồng việc ruộng nương. Đến nay, cô con gái đầu của bà học nghề ra trường đã có gia đình riêng. 2 người con kế đều đang học đại học. Dù sức khỏe đã yếu nhiều, bà vẫn cố bán thêm vài năm nữa chờ đến khi các con ra trường mới nghĩ đến chuyện về quê.
Bình Nguyên