Ở ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu), anh Lý Trường Sơn được coi là “con người của sáng kiến”. Bởi lẽ trong cuộc sống lao động thường ngày, anh Sơn hay tìm tòi, cải tiến các công cụ sản xuất giúp tăng năng suất lao động, áp dụng hiệu quả trong thực tiễn. Một trong những sáng kiến đó là chế tạo chiếc bếp đun trấu đầy hữu dụng.
Ở ấp Thới Sơn, xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cửu), anh Lý Trường Sơn được coi là “con người của sáng kiến”. Bởi lẽ trong cuộc sống lao động thường ngày, anh Sơn hay tìm tòi, cải tiến các công cụ sản xuất giúp tăng năng suất lao động, áp dụng hiệu quả trong thực tiễn. Một trong những sáng kiến đó là chế tạo chiếc bếp đun trấu đầy hữu dụng.
Anh Lý Trường Sơn bên chiếc bếp đun trấu cải tiến. |
Anh Sơn cho biết, từ trước đến nay, anh thường xuyên dùng trấu để đun, nấu phục vụ sinh hoạt trong gia đình bằng hình thức xây lò đun cố định theo kiểu truyền thống. Tuy nhiên, khi đun, nấu sẽ có nhiều khói, tốn trấu, mất nhiều thời gian canh lửa hết sức bất tiện. Do vậy, anh nảy sinh ra ý định phải “chế” một cái lò đun trấu mới theo nguyên lý gọn nhẹ, có thể di chuyển, đảm bảo vệ sinh môi trường, an toàn và không phải tốn thời gian canh lửa.
Nghiên cứu nhiều lần, ý tưởng cải tiến bếp đun trấu hình thành, Sơn tìm đến các vựa phế liệu mua một ống sắt tròn, đường kính khoảng 20cm, chiều cao từ 70-80 cm để làm thân bếp. Sau đó, anh đem ống sắt này hàn kín một đầu để trấu khỏi rơi ra khi dồn vào ống. Cách đáy ống từ 5-10cm, anh khoét một lỗ tròn đường kính 2-3 cm để nối với một ống hơi. Trên ống hơi này có gắn một quạt gió nhỏ, điện thế 12V để lấy gió thổi vào ống, tạo luồng hơi cho bếp hoạt động (luồng hơi có thể điều chỉnh lớn, nhỏ bằng một van đặt trước quạt gió). Để cho ngọn lửa cháy tập trung, phát huy hết nguồn nhiệt, phía đầu trên của bếp, Sơn dùng một miếng sắt tròn có đục nhiều lổ như hình tổ ong đặt lên (giống như hình thức ổ nhiệt của bếp gas). Với cách thiết kế như trên, khi hoạt động, bếp đun trấu do Sơn sáng chế đạt được hiệu quả khá cao, thức ăn được nấu nhanh hơn, bếp không tỏa ra khói, đảm bảo vệ sinh môi trường và đặc biệt là tiết kiệm được nguồn trấu đun.
Theo anh Lý Trường Sơn, tổng giá thành cho việc lắp ráp chiếc bếp như vậy chưa tới 200 ngàn đồng. Lượng trấu dồn vào bếp khi đun nấu khoảng 1kg, thời gian cháy từ 45-50 phút. Nếu muốn lâu hơn thì nén trấu vào bếp chặt hơn. Chiếc bếp rẻ tiền và hữu dụng của anh Sơn đã được khá nhiều người dân trong vùng tìm đến đặt mua.
Đức Việt