Báo Đồng Nai điện tử
En

Đời người, đời nghề

10:12, 21/12/2012

Lò rèn 12 của ông Phạm Hoàng Sang đã hoạt động ở khu vực chợ Đồn, phường Bửu Hòa (TP. Biên Hòa) 60 năm qua.

Ông Phạm Hoàng Sang có hơn 40 năm làm thợ rèn. Ảnh: B. NGUYÊN
Ông Phạm Hoàng Sang có hơn 40 năm làm thợ rèn. Ảnh: B. NGUYÊN

Lò rèn 12 của ông Phạm Hoàng Sang đã hoạt động ở khu vực chợ Đồn, phường Bửu Hòa (TP. Biên Hòa) 60 năm qua. Cả đời ông gần như gắn liền với nghề này. Từ nhỏ, ông đã theo cha phụ làm nghề và khi lớn trở thành người thợ. Trong suốt 40 năm qua không lúc nào ông rời bệ rèn, cây búa. Ông Sang chia sẻ, đây là nghề gia truyền, cha ông mở lò rèn, cả đời ông Sang giữ nghề rồi đến nay các cháu của ông cũng rành nghề. Với ông, mỗi ngày mỗi làm, người thợ tự đúc kết những kinh nghiệm riêng để giỏi nghề. Chính vì vậy, mỗi lò rèn, mỗi người thợ đều có những bí quyết nghề nghiệp riêng.

Ông Sang tự hào khoe, ai đặt gì cũng làm được. Thời trước, lò rèn của ông chủ yếu làm các sản phẩm nông cụ, như: lưỡi cày, bừa, cuốc, liềm, hái… Giờ, khách của lò rất đa dạng, từ chị tiểu thương bán thịt, cá đến bà nội trợ đặt làm các dụng cụ gia đình, từ con dao bào, cái kéo, dao các loại… Khách của lò không chỉ người mua lẻ mà nhiều doanh nghiệp cũng tìm đến đặt hàng. Ông Sang không ngại cho biết, sản phẩm của lò rèn 12 này thường đắt hơn những nơi khác nhưng khách vẫn tìm đến vì chất lượng mặt hàng. Nhiều Việt kiều về nước cũng ghé lò rèn này đặt làm các dụng cụ gia đình vì từ xưa đã là khách quen của lò.

Theo ông, nghề này rất cực công, người thợ suốt ngày trần lưng ra quai búa nên rất cần sức khỏe và sự kiên trì với công việc. Và chính sự trân trọng nghề truyền thống của gia đình đã giữ ông cả đời gắn bó với nghiệp thợ rèn.

Bình Nguyên

 

Tin xem nhiều