Cau Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) từng là sản vật nổi tiếng của Đồng Nai, được tiêu thụ khắp các tỉnh, thành trên cả nước.
Cau Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) từng là sản vật nổi tiếng của Đồng Nai, được tiêu thụ khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Bà Quách Thị Lượm (bà Hai Bán, 85 tuổi) là người có thâm niên lâu nhất ở đất Phú Hội về nghề làm cau. Từ trước ngày đất nước thống nhất, bà đã mở vựa tiêu thụ cau ở xứ này. Bà Hai Bán thường thu mua cau tươi tại vườn để cung cấp cho các mối lái ở TP. Hồ Chí Minh.
Ở tuổi 85, bà Hai Bán vẫn phụ con cháu trong việc chế biến cau khô. Ảnh: B. NGUYÊN |
Ngoài bỏ mối cau tươi, bà Hai Bán còn làm cau khô để cung cấp cho thị trường. Theo bà Hai Bán, nghề làm cau khô rất tốn công. Người mua phải “bao thầu” từ khâu hái cau đến vận chuyển và tổ chức chế biến. Thường cần khoảng 250 trái cau tươi mới làm ra được 1kg cau khô. Mọi công đoạn chế biến đều bằng thủ công, trái cau được bổ đôi, tách lấy hạt rồi đem sấy trên lò than khoảng 2 ngày mới được một mẻ cau khô khoảng hơn 1kg. Người làm phải canh độ nóng của lò than, thường xuyên đảo để cau khô đều. Cau còn phải được phân loại mới đưa ra thị trường. Trong các công đoạn, làm cau luộc là vất vả nhất, phải lựa cau ngon, tách lấy hạt đem ngâm rồi luộc chín với nước phèn và đem sấy khô. Mùa cau ở Phú Hội thường kéo dài từ tháng 8 đến tháng 4 năm sau, suốt thời gian này, lúc nào lò sấy trong gia đình bà Hai Bán cũng đỏ lửa. Người con gái của bà cũng theo nghề mẹ, gắn bó với công việc này gần 40 năm nay. Thời hoàng kim, “trúng” một mùa cau là có thể xây nhà. Bây giờ, thị trường không còn quá ưa chuộng mặt hàng này, nhưng gia đình bà Hai Bán vẫn giữ nghề như một nét đẹp truyền thống của gia đình.
Bình Nguyên