Báo Đồng Nai điện tử
En

Không lơ là an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể

Hạnh Dung
07:10, 14/10/2024

Đồng Nai là tỉnh có rất nhiều doanh nghiệp (DN), trong đó có những DN có số lượng công nhân lao động lên đến vài chục ngàn người.

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của Công ty TNHH A.S. (Khu công nghiệp Tam Phước, thành phố Biên Hòa).
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác an toàn thực phẩm tại bếp ăn tập thể của Công ty TNHH A.S. (Khu công nghiệp Tam Phước, thành phố Biên Hòa). Ảnh: H.Dung

Để đảm bảo công tác sản xuất, hầu hết các DN đều tổ chức bếp ăn tập thể ngay tại DN để công nhân ăn giữa ca. Vì vậy, vấn đề an toàn thực phẩm (ATTP) cực kỳ quan trọng. Bởi nếu để xảy ra một sơ suất nhỏ, cái giá phải trả không chỉ là sức khỏe, tính mạng của người lao động mà cả vấn đề sản xuất, kinh doanh lâu dài của DN.

Chấn chỉnh việc cung cấp suất ăn cho doanh nghiệp

Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh do ông Nguyễn Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, làm trưởng đoàn vừa kiểm tra công tác ATTP tại Công ty TNHH A.S. (gọi tắt là Công ty A.S., Khu công nghiệp Tam Phước, thành phố Biên Hòa) sau khi có thông tin xuất hiện dòi trong khẩu phần ăn của công nhân.

Theo đó, Công ty A.S. hợp đồng với Công ty TNHH Thực phẩm TMDV T.H. (Công ty T.H.) để nấu tại bếp ăn tập thể của công ty nhằm phục vụ khoảng 1,5 ngàn suất ăn/2 ca/ngày cho công nhân lao động đang làm việc tại công ty. Mỗi suất ăn trị giá 18 ngàn đồng.

Trong 9 tháng của năm 2024, ngành y tế đã kiểm tra hơn 9,9 ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố trong toàn tỉnh. Kết quả có 90,7% cơ sở đạt yêu cầu, 68 cơ sở vi phạm bị xử phạt hơn 630,7 triệu đồng.

Bữa trưa 2-10, công ty phục vụ 942 phần cơm gồm các món: cơm trắng, gà chiên mắm tỏi ăn kèm dưa leo, rau luộc, canh mồng tơi mướp, cá cơm rim đậu phộng, lagu chay.

Thời gian ăn trưa của công nhân bắt đầu từ 10h30. Đến 11h20, một công nhân báo khay cơm của mình có dòi trên món thịt gà chiên. Ngay sau đó, công ty đã phối hợp với nhà thầu nấu ăn, Công đoàn tiến hành rà soát 378 khay cơm chưa ăn. Kết quả không phát hiện thêm khay nào có côn trùng nên đã cho công nhân tiếp tục dùng 378 khay còn lại.

Đại diện Công ty T.H. giải thích, món gà chiên mắm tỏi đã được nhà bếp xử lý chín, sau đó chia suất ăn vào khay cơm và ăn kèm với dưa leo sống. Có khả năng dòi từ dưa leo sống đã bò vào miếng thịt gà chiên. Đây là lỗi của nhân viên nhà ăn trong quá trình sơ chế. Sau khi xảy ra vụ việc, đại diện Công ty T.H. đã thay đổi phần thức ăn cho công nhân bằng bánh mì và sữa, đồng thời xin lỗi lãnh đạo và công nhân của Công ty A.S.. Công ty hứa sẽ thực hiện nghiêm vấn đề thực phẩm đầu vào.

Ngoài sơ suất trên, tại thời điểm kiểm tra, đoàn kiểm tra còn ghi nhận Công ty T.H. có các vi phạm như: nơi chế biến, kinh doanh, bảo quản thực phẩm có côn trùng, động vật gây hại xâm nhập (ruồi, chuột). Công ty thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thức ăn.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty T.H. vệ sinh khu vực chế biến, kho bảo quản để tránh côn trùng, động vật gây hại xâm nhập. Thực hiện lưu mẫu thực phẩm đầy đủ các món và ghi chép nhật ký lưu mẫu đúng quy định của Bộ Y tế. Tiếp tục duy trì các điều kiện đảm bảo ATTP, chấp hành nghiêm các quy định về ATTP, đảm bảo rút ngắn thời gian từ khi nấu xong đến khi phục vụ thức ăn cho người dùng, đảm bảo thức ăn nóng. Yêu cầu Giám đốc Công ty T.H. đến Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh để giải quyết những vấn đề liên quan.

Đoàn kiểm tra cũng đề nghị Công ty A.S. giám sát nhà thầu trong việc bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm, bảo đảm các điều kiện về ATTP, đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng cho công nhân lao động.

Đảm bảo an toàn ở tất cả các khâu

Công ty TNHH Pouchen Việt Nam (phường Hóa An, thành phố Biên Hòa) hiện có 14 ngàn lao động. Suốt 28 năm qua, tại công ty chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm nào.

Để đạt được điều này, ông Nguyễn Ái Duy, Phó giám đốc Tổng vụ Phòng Hành chính, Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, cho biết công ty ký hợp đồng cung cấp thực phẩm đầu vào với 11 đơn vị. Những đơn vị này đều phải đảm bảo các yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ liên quan đến truy suất nguồn gốc thực phẩm, điều kiện về môi trường theo quy định của nhà nước, có bên thứ 3 cùng tham gia.

Tại công ty, có một tổ kiểm tra thực phẩm đầu vào. Mỗi sáng sớm, tổ này bao gồm các phòng, ban, tổ chức đoàn thể trong công ty kiểm tra chất lượng thực phẩm đầu vào. Nếu thực phẩm đạt yêu cầu mới nhận, ngược lại sẽ bị trả về, đơn vị nào vi phạm 2 lần trong 1 tháng sẽ cắt hợp đồng với đơn vị đó.

“DN chúng tôi có đến 14 ngàn lao động. Nếu xảy ra vấn đề gì thì hậu quả sẽ rất lớn. Chúng tôi luôn đặt vấn đề ATTP lên hàng đầu và xem sức khỏe của người lao động là tài sản quý của DN. Người lao động có khỏe thì mới có đủ sức để sản xuất, gắn bó lâu dài với DN” - ông Duy chia sẻ.

Công ty TNHH Sông Hồng Tân (phường Long Bình, thành phố Biên Hòa) là một trong những DN cung cấp số lượng suất ăn công nghiệp lớn nhất trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này.

Ông Chu Văn Vị, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sông Hồng Tân, cho hay mỗi ngày công ty cung cấp hơn 200 ngàn suất ăn cho các DN, trường học, bệnh viện tại 18 tỉnh, thành khu vực miền Đông và miền Tây Nam Bộ. Để đảm bảo ATTP, công ty đặc biệt chú trọng kiểm soát nguyên liệu đầu vào thông qua việc thu mua thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Hàng ngày, công ty có nhân viên thực hiện kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng chất bảo quản trên thực phẩm để đánh giá các mối lo, rủi ro nếu có. Những thực phẩm nào không đạt yêu cầu sẽ bị loại bỏ.

Cũng theo ông Vị, do các khẩu phần ăn được vận chuyển đến các DN, đơn vị nên công ty tập trung kiểm soát các khâu đóng gói, bảo quản, vận chuyển để đảm bảo ATTP. Tất cả thực phẩm sau khi chế biến sẽ được đóng gói vào khay inox. Cơm và canh được bảo quản trong thùng chuyên dụng để đảm bảo thức ăn khi đến với người dùng còn nóng.

Ngoài ra, các dụng cụ nhà bếp cũng được công ty đảm bảo an toàn, thực hiện nghiêm việc lưu mẫu thực phẩm 3 bước theo đúng quy định.   

Ông NGUYỄN HÙNG LONG, Phó cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế):

Nâng cao trách nhiệm của các ngành liên quan

Một bữa ăn có liên quan tới sự quản lý của nhiều ngành. Trong đó, ngành nông nghiệp quản lý về các loại rau củ, thịt, cá, thủy hải sản; ngành công thương quản lý về gia vị, sữa; ngành y tế quản lý về hoạt động của bếp ăn, cấp giấy phép về ATTP. Tuy nhiên, vấn đề phối hợp giữa các ngành trong việc truy xuất nguồn gốc thời gian qua chưa thực sự tốt. Do đó, trong thời gian tới, các ngành cần có trách nhiệm hơn trong việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm được phân công quản lý và phối hợp chặt chẽ với nhau trong quản lý cũng như xử lý các sự cố về ATTP.

Bà NGUYỄN THỊ MỸ HƯƠNG, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu:

Rất quan tâm đến chất lượng bữa ăn tại trường học

Tôi có 2 con đang học mẫu giáo và lớp 3. Hàng ngày, các con đều ăn trưa, ăn xế tại trường. Các khẩu phần ăn do nhà trường hợp đồng với DN cung cấp suất ăn. Không chỉ tôi mà tất cả các phụ huynh đều rất quan tâm đến chất lượng bữa ăn tại trường của các con. Vừa qua, con đi học về có nói phần sữa chua ăn xế bị vón cục khiến tôi rất lo. Tôi đã dặn con nếu thấy thức ăn có màu sắc hay mùi vị lạ thì không nên ăn và báo với cô giáo chủ nhiệm. Bởi nếu chẳng may thức ăn có vấn đề, các con ăn vào bị ngộ độc thực phẩm, nôn ói, tiêu chảy sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe.

An Yên (ghi)

Hạnh Dung

 

Tin xem nhiều