Báo Đồng Nai điện tử
En

Báo động trẻ thừa cân béo phì

Bích Nhàn
16:45, 31/08/2024

Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì ngày càng gia tăng trong những năm gần đây. Khi trẻ thừa cân, béo phì sẽ tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như: huyết áp, tiểu đường, thậm chí là dậy thì sớm…

Tỷ lệ trẻ béo phì tăng nhanh những năm gần đây. Ảnh: Bích Nhàn
Tỷ lệ trẻ béo phì tăng nhanh những năm gần đây. Ảnh: Bích Nhàn

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là tâm lý nhiều phụ huynh vẫn “chưa lo” khi con bị thừa cân, béo phì.

Bé 15 tuổi nặng… 140kg

Mới 15 tuổi, em M.T., ngụ huyện Long Thành đã nặng đến 140kg. Với cơ thể béo phì, mỗi lần nhập viện vì bất cứ căn bệnh nào đều là nỗi lo của cha mẹ và cả y, bác sĩ. Cách đây vài ngày, M.T. vào viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp, viêm phổi.

“Ngay khi con ho, nóng sốt, gia đình đã đưa đi khám và uống thuốc tại một phòng khám tư gần nhà. Nhưng chỉ sau 2 ngày, con tôi đã phải nhập viện cấp cứu vì bệnh nặng hơn. Mỗi lần con bệnh là thường bị nặng, nằm viện cả tuần liền” - mẹ của em M.T. chia sẻ.

Thạc sĩ - bác sĩ Trần Lê Duy Cường, Phó khoa Hồi sức - tích cực - chống độc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết thêm, các bác sĩ phải đặt nội khí quản, cho em M.T. thở máy vì bệnh chuyển biến nhanh và khá nặng. Dù ban đầu chỉ là viêm phế quản bình thường nhưng với cơ thể béo phì, bệnh nhi M.T. dễ vào tình trạng bệnh nặng hơn. Bác sĩ phải sử dụng thuốc kháng sinh liều cao hơn và mạnh hơn trong chữa trị.

Hầu hết, bệnh nhi nằm tại khoa đều là bệnh nhân nặng, người nhà không được vào chăm sóc nên tất cả đều do nhân viên y tế đảm nhiệm. 

“Riêng bệnh nhi M.T. phải thở máy 5 ngày, bệnh mới tiến triển tốt và sức khỏe ổn định dần dần. Trong suốt những ngày chữa trị tại khoa, mỗi lần thay tã, xoay trở cho bệnh nhi, chúng tôi phải cử 4-5 người vì bệnh nhi thừa cân quá nhiều” - bác sĩ Cường nói.

Theo bác sĩ Cường, những năm gần đây, bệnh viện đã chữa trị nhiều bệnh nhân bị béo phì khiến cho bệnh nặng hơn khi mắc các bệnh như tay chân miệng, sốt xuất huyết. Năm ngoái, các bác sĩ đã tiếp nhận bé N.G.H., 2 tuổi (ngụ phường Hóa An, thành phố Biên Hòa) bị tay chân miệng. Điều đáng nói là dù bé mới 2 tuổi nhưng đã nặng 22kg (cân nặng chuẩn theo Tổ chức Y tế thế giới là 12kg) và phải nhập viện trong tình trạng nặng do bệnh tay chân miệng.

Bộ Y tế đặt mục tiêu, năm 2025 kiểm soát tình trạng béo phì, dự phòng các bệnh mạn tính không lây nhiễm ở trẻ em, thiếu niên và người trưởng thành.

Theo Bộ Y tế, tỷ lệ thừa cân, béo phì tăng nhanh ở mọi lứa tuổi, ghi nhận cả ở thành thị và nông thôn. Trong đó, nhóm trẻ dưới 5 tuổi, gần 10% ở thành thị và hơn 5% ở nông thôn bị thừa cân, béo phì, tăng cao hơn so với tỷ lệ ghi nhận vào năm 2010.

Sau gần 1 tuần chữa trị, dù đã cai được máy lọc máu, xung quanh bé H. vẫn chằng chịt các loại dây dợ từ máy thở. Các y, bác sĩ phải hút đờm liên tục cho bé. Suốt những ngày phải lọc máu, cả người nhà lẫn y, bác sĩ luôn trong trạng thái lo lắng.

“Khi vào viện, toàn thân bé tím tái, mệt lả và không thể lấy ven. Chúng tôi đặt nội khí quản, truyền thuốc đặc trị gamma globulin và lọc máu 2 chu kỳ. Tuy nhiên trong quá trình cấp cứu, bé bị ngưng tim. May mắn, bé đã qua khỏi đợt bệnh nguy hiểm đó” - bác sĩ Cường nhớ lại.

Trẻ béo phì dễ bị dậy thì sớm, mắc nhiều bệnh mãn tính

Mỗi lần tiếp nhận trẻ bị béo phì nhập viện, các y bác sĩ đều rất lo lắng và áp lực, phần vì trẻ dễ vào các đợt bệnh nặng hơn, thời gian nằm viện và chi phí chữa trị cũng đắt đỏ hơn nhiều.

Khi tiếp nhận những trường hợp trẻ béo phì nhập viện các y, bác sĩ cũng áp lực vì bệnh dễ bị nặng hơn. Ảnh: Bích Nhàn

Bác sĩ dinh dưỡng Vũ Thị Thu Hạnh, Khoa Nhi, Bệnh viện Âu Cơ cho hay, nhiều gia đình, nhất là thế hệ ông bà thường muốn con cháu phải mập mạp, mũn mĩm mới đáng yêu, khoẻ mạnh và thông minh hơn.

“Đó là một suy nghĩ có phần lệch lạc và không chính xác. Thực tế cho thấy, khi trẻ bị thừa cân, béo phì sẽ gây rất nhiều hệ luỵ về sức khỏe. Trẻ dễ mắc các bệnh: cao huyết áp, tăng mỡ máu, tiểu đường, bệnh gai đen hay ngưng thở lúc ngủ…” - bác sĩ Hạnh nhận định.

Các thức ăn, thức uống cần kiêng cho một trẻ béo phì:

Bác sĩ dinh dưỡng Vũ Thị Thu Hạnh, khoa Nhi, Bệnh viện Âu Cơ nhấn mạnh, khi trẻ bị béo phì cần cho trẻ ăn uống theo chế độ. Cụ thể: 

 - Hạn chế ăn thức ăn, thức uống có đường như: bánh kẹo, nước ngọt, trà sữa, bánh kem, chè, chocolate…

 - Hạn chế ăn nhiều thực phẩm có nhiều chất béo như: cá viên chiên, gà rán, xúc xích, khoai tây chiên, óc, thận, lòng…

- Hạn chế các món ăn chiên xào, thay vào đó là thức ăn hấp luộc, nướng.

Do vậy, các bậc phụ huynh khi thấy con mình có các dấu hiệu sau thì cần nghĩ đến khả năng trẻ bị thừa cân, béo phì: bụng mập, má phính lên, ngực chảy xệ, rạn da ở bụng, ngực hay bệnh gai đen (da ở vùng cổ, bẹn, nách… bị đen do béo phì gây ra tình trạng rối loạn tăng sắc tố da).

Bác sĩ Hạnh cho biết thêm, có đến hơn 90% trẻ béo phì do dinh dưỡng không hợp lý, ăn quá nhiều so với nhu cầu; ăn nhiều chất béo, bột đường, ăn vặt, uống nước có gas… hoặc có lối sống thụ động, ít vận động…

Bác sĩ Hạnh nhấn mạnh: “Ngoài nguy cơ gây ra nhiều bệnh mãn tính, trẻ béo phì còn đối mặt với khả năng bị dậy thì sớm, ảnh hưởng đến phát triển chiều cao và tâm lý của trẻ”.

Điều đáng lo ngại nhất là tâm lý “chưa lo” của nhiều bậc phụ huynh. Bác sĩ Hạnh đã từng gặp nhiều trường hợp bệnh nhi đến khám khi đã duy trì tình trạng béo phì suốt nhiều năm liền nhưng bố mẹ lại chủ quan cho rằng, trẻ sẽ tự giảm cân khi đi học hoặc do di truyền nên không thay đổi được.

“Cũng có nhiều bậc phụ huynh biết con béo phì nhưng vì công việc bận rộn nên họ chần chừ mãi không đưa con đi khám. Trẻ béo phì càng lâu, khả năng giảm cân cho trẻ càng khó hơn nhiều” - bác sĩ Hạnh khuyến cáo.

Bích Nhàn

 

 

 

Tin xem nhiều