Báo Đồng Nai điện tử
En

Còn buông lỏng quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói

Bình Nguyên
07:50, 18/10/2023

Thời gian qua, Việt Nam liên tục ký kết nghị định thư xuất khẩu chính ngạch nhiều mặt hàng trái cây tươi vào thị trường Trung Quốc, trong đó có các mặt hàng chủ lực như: chuối, sầu riêng… Mã số vùng trồng được xem như tấm “hộ chiếu” cho xuất khẩu nông sản vào thị trường Trung Quốc nói riêng, thị trường thế giới nói chung.

Giá chuối bán tại vườn đang dưới giá thành sản xuất. Trong ảnh: Vườn chuối cấy mô xuất khẩu tại xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu
Giá chuối bán tại vườn đang dưới giá thành sản xuất. Trong ảnh: Vườn chuối cấy mô xuất khẩu tại xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu. Ảnh: B.NGUYÊN

Theo số liệu từ Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), trong 9 tháng của năm 2023, cả nước có 750 trường hợp vi phạm mã số vùng trồng. Nhiều vùng trồng, cơ sở đóng gói bị thu hồi mã số. Điều này gây không ít hệ lụy cho thị trường xuất khẩu mặt hàng trái cây tươi đang đóng góp rất lớn vào sự tăng trưởng kinh tế hiện nay.

Tăng nhanh diện tích vùng trồng

Đồng Nai là một trong những địa phương đi đầu trong thực hiện mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của cả nước; diện tích mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói cũng tăng nhanh so với trước. Chỉ trong 9 tháng năm 2023, toàn tỉnh có thêm 49 vùng trồng với diện tích gần 4,9 ngàn ha và 28 cơ sở đóng gói được cấp mã số. Trong đó, chủ yếu đối với 2 sản phẩm trái cây tươi đang xuất khẩu tốt trong năm 2023 là sầu riêng và chuối già cấy mô.

Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 170 mã số vùng trồng cây ăn trái với diện tích khoảng 27 ngàn ha và 86 mã số cơ sở đóng gói. Trong đó, chiếm tỷ lệ lớn là các vùng trồng, cơ sở đóng gói chuối và sầu riêng xuất khẩu đi các thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand...

Từ đầu tháng 9-2023 đến nay, nhiều mã vùng trồng chuối trên địa bàn Đồng Nai đã bị thu hồi. Việc nhiều vùng trồng chuối trên địa bàn tỉnh bị thu hồi mã số vùng trồng do phía Trung Quốc phát hiện có sinh vật gây hại trên các lô hàng xuất khẩu. Trong đó, loài rệp sáp đang là loại sinh vật gây hại phổ biến trên cây chuối. Quá trình canh tác của nông dân và sơ chế tại cơ sở đóng gói chưa diệt trừ hết rệp sáp trước khi xuất khẩu.

Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến các vùng chuyên canh chuối xuất khẩu trên địa bàn tỉnh khi chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là vào vụ thu hoạch chính trong năm. Đây cũng là nguyên nhân khiến thời gian gần đây, giá chuối xuất khẩu bán tại các nhà vườn giảm xuống dưới giá thành sản xuất, chỉ còn khoảng 5 ngàn đồng/kg, giảm từ 8-10 ngàn đồng/kg so với thời điểm chuối xuất khẩu có giá tốt vào những tháng đầu năm 2023.

Huyện Trảng Bom là địa phương có diện tích trồng chuối lớn nhất tỉnh và cũng là địa phương có nhiều mã vùng trồng bị tạm ngưng khiến nông dân rất lo lắng, vì không đủ điều kiện xuất khẩu đi Trung Quốc, đầu ra cho trái chuối sẽ bị tắc nghẽn.

Ông Nguyễn Văn Đông, nông dân trồng chuối ở xã Thanh Bình (H.Trảng Bom) chia sẻ, trái chuối đến kỳ thì phải thu hoạch ngay, chứ không kéo dài thêm thời gian như một số trái cây khác được. Vụ này mưa nhiều khiến chất lượng chuối không bằng các vụ trước. Việc nhiều nhà vườn bị thu hồi mã số vùng trồng, giá chuối bán ra dưới giá thành sản xuất vào thời điểm chuẩn bị rộ vụ thu hoạch đang khiến nông dân rất lo lắng.

Theo Giám đốc HTX Thanh Bình (ở xã Thanh Bình) Lý Minh Hùng, tại địa bàn xã có gần 700ha trồng chuối bị thu hồi mã số vùng trồng. Tháng qua, giá chuối giảm hơn một nửa so với trước, nhưng điều đáng lo hơn là bắt đầu từ tháng 11-2023, nhiều địa phương của tỉnh sẽ vào chính vụ thu hoạch. Nếu chuối không đạt chuẩn thì không còn câu chuyện giảm giá, mà sẽ là không bán được.

Công tác quản lý chưa theo kịp

Ông Lý Minh Hùng cho biết thêm, vụ xuất khẩu trước, giá chuối tăng cao nên có tình trạng mua bán chạy theo số lượng hơn chất lượng. Việc có nhiều lô hàng xuất khẩu bị cảnh báo, mã số vùng trồng bị thu hồi là bài học đắt giá giúp thức tỉnh cả nông dân và các nhà đóng gói để cùng làm tốt hơn, nếu không sẽ bị đào thải. Để quản lý tốt mã vùng trồng, HTX dự kiến sẽ thu hẹp diện tích vùng trồng để quản lý tốt hơn về chất lượng. HTX dự tính đến phương án thuê đất để tự đầu tư vùng nguyên liệu.

Đóng gói chuối xuất khẩu tại một cơ sở tại xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu. Ảnh B.Nguyên
Đóng gói chuối xuất khẩu tại một cơ sở tại xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu. Ảnh B.Nguyên

Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Bình Lưu Chí Mười cho biết, việc thực hiện các giải pháp khắc phục để có thể mở lại mã số vùng trồng đang được nông dân, các cơ sở đóng gói và các cơ quan quản lý gấp rút thực hiện. Một số doanh nghiệp đã khắc phục, các ngành cũng hướng dẫn bà con khắc phục như xây bồn rửa hay lắp ròng rọc để đưa chuối về. Hội nông dân cũng hướng dẫn và vận động nông dân đăng ký làm mã vùng trồng theo đúng quy định. Nông dân đang chuyển hướng chăm sóc chuối theo hướng hữu cơ, tăng cường sử dụng thuốc sinh học nhằm loại bỏ các sinh vật gây hại trên cây chuối theo yêu cầu khắc phục của đơn vị xuất khẩu.

Tại hội nghị trực tuyến Tăng cường quản lý nhà nước về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu do Bộ NN-PTNT tổ chức vào ngày 24-8-2023, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh, Bộ NN-PTNT đã làm việc với Bộ Tư pháp, đề xuất Chính phủ cho xây dựng thêm 2 nghị định. Thứ nhất là nghị định hướng dẫn cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói. Thứ hai là về các chế tài xử phạt trong lĩnh vực này. Thời gian tới, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra việc cấp, quản lý và sử dụng mã số tại các địa phương sẽ được tăng cường. Bộ NN-PTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; phát hiện, xử lý và tuyệt đối không cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các lô hàng không tuân thủ quy định pháp luật về kiểm dịch thực vật.

Bình Nguyên

Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI:

Tăng cường trách nhiệm của nông dân, doanh nghiệp

Việc mã số vùng trồng, mã số cơ sở thu mua, đóng gói bị thu hồi là hồi chuông cảnh báo để mỗi khâu trong sản xuất, thu mua, tiêu thụ phải tuân thủ đúng quy định. Ở đây, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước rất cần thiết để thực hiện cho đúng. Nhưng nông dân cũng phải chịu trách nhiệm trong khâu tổ chức sản xuất; cơ sở, doanh nghiệp thu mua, đóng gói xuất khẩu cũng phải thấy được trách nhiệm của mình để tuân thủ. Cơ quan chức năng, nông dân, doanh nghiệp phải đồng hành với nhau chứ không phải câu chuyện của riêng bên nào. Ngoài việc quản lý của các sở, ngành liên quan thì cần vai trò quản lý của địa phương sát sao với hoạt động sản xuất, đóng gói, kinh doanh. Đặc biệt, vai trò của cơ sở, doanh nghiệp thu mua, đóng gói phải xây dựng quy trình chặt chẽ để xử lý nông sản đạt chuẩn của thị trường xuất khẩu.

Phó chủ tịch Hội Nông dân TP.Long Khánh TRẦN VĂN VIỆT:

Cần có chế tài xử lý vi phạm mã số vùng trồng

 Năm 2022, Việt Nam và Trung Quốc ký hiệp định thư xuất khẩu sầu riêng chính ngạch qua thị trường này, mang lại hiệu quả rất tích cực, 1ha sầu riêng nông dân đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng. TP.Long Khánh là địa phương phát triển nhanh mã số vùng trồng khi đến nay có 8 mã vùng trồng sầu riêng với tổng diện tích gần 347ha. Thành phố đang tiếp tục đẩy mạnh làm mã số vùng trồng với các cây trồng khác.

Để giữ được những vùng trồng đã được cấp và tiếp tục nhân rộng trong thời gian tới, Hội Nông dân TP.Long Khánh kiến nghị việc quản lý mã số vùng trồng (hiện được phân cấp cho địa phương nhưng chưa có chế tài quy định việc xử lý người dân, cơ sở vi phạm về mã số vùng trồng), Bộ NN-PTNT nên xây dựng chế tài xử lý vi phạm để công tác quản lý có hiệu quả.

Lê Quyên (ghi)

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích