Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm cách gỡ khó cho ngành hàng công nghiệp chủ lực

Văn Gia
08:34, 26/08/2023

Đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế, công nghiệp chế biến, chế tạo với các mặt hàng chủ lực đang có dấu hiệu khởi sắc hơn, nhưng tốc độ phục hồi vẫn chậm.

Kết nối giao thương là giải pháp được nhiều doanh nghiệp ứng dụng hiện nay. Trong ảnh: Công ty TNHH Thương mại sản xuất cơ khí Phước Hưng (TP.Biên Hòa) giới thiệu sản phẩm đến các doanh nghiệp tham quan. Ảnh: V.Gia

Những khó khăn, thách thức do biến động thị trường vẫn bủa vây cộng đồng doanh nghiệp (DN), nhất là bài toán tiêu thụ sản phẩm. Điều đó đòi hỏi có nhiều giải pháp tháo gỡ, trong đó cần tập trung khơi thông những nguồn lực mới, tìm thêm kênh bán hàng.

* Cố gắng giữ nhịp sản xuất

Tại Đồng Nai, sản xuất đang từng bước được hồi phục, song tốc độ chậm. Theo Cục Thống kê Đồng Nai, trong 7 tháng của năm 2023, có 23/27 ngành sản xuất công nghiệp tăng trưởng so với cùng kỳ nhưng hầu hết tăng thấp. Một số ngành công nghiệp chủ lực tăng khá so với cùng kỳ như: sản xuất đồ uống tăng 4,6%; chế biến thực phẩm 5,8%; may mặc 5%; sản xuất hóa chất 3,9%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 7%...

Dự kiến có khoảng 200 đoàn quốc tế từ 30 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia hội chợ đồ gỗ do Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai tổ chức tháng 9-2023 để mua, tìm bạn hàng, đối tác, đơn hàng. Bộ Công thương cùng các địa phương sẽ đưa các đoàn DN quốc tế về trực tiếp khảo sát DN sản xuất tại từng địa phương. Hiện nay, tổ chức các chương trình kết nối giao thương được coi là giải pháp cần thiết để DN có thêm kênh tiêu thụ sản phẩm.

Đối với các DN, cố gắng giữ nhịp sản xuất được càng lâu càng tốt là nhiệm vụ quan trọng. Theo ông Phạm Văn Hảo, Giám đốc Công ty TNHH Việt Tín Thành (chuyên sản xuất, cung ứng các mặt hàng thuộc lĩnh vực xây dựng, ở TP.Biên Hòa), so với thời gian cao điểm, đơn hàng mỗi tháng của công ty giảm từ 40-50%. Từ đầu năm đến nay, lĩnh vực xây dựng, bất động sản tiếp tục chững lại nên kéo theo những khó khăn mới, công ty buộc phải tìm cách sắp xếp lại hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“Chúng tôi nỗ lực để cầm cự, tìm kiếm các đơn hàng nhỏ lẻ cũng là một giải pháp trong khi thị trường sụt giảm, sự cạnh tranh lại cao hơn bởi có nhiều đơn vị cùng cung ứng” - ông Hảo chia sẻ.

Tương tự, Phó giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất cơ khí Phước Hưng (TP.Biên Hòa) Phạm Thị Mỹ Châu cho hay, cũng như các đơn vị khác, từ giữa năm 2022, DN đã gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ hàng hóa sản lượng lớn. Những mặt hàng kim khí của công ty thông thường sản xuất cho các đối tác làm hàng xuất khẩu thì bị thu hẹp sản lượng, trong khi hàng trực tiếp xuất khẩu cũng rất khó tiêu thụ. Quay lại thị trường trong nước, DN đã tìm tòi và đi vào thị trường ngách, sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ dân dụng như: kệ tivi, máy lạnh, đế tủ lạnh… và coi đây là giải pháp để giữ nhịp sản xuất cho người lao động.

* Tìm thêm các kênh tiêu thụ

Gỗ là một trong những ngành chủ lực trong sản xuất và xuất khẩu của Đồng Nai. Mới đây, 15 DN của Đồng Nai đã tham gia một hội chợ, triển lãm về máy móc và nguyên phụ liệu ngành gỗ do Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam phối hợp cùng các hiệp hội thành viên trong cả nước tổ chức.

Sản xuất tại một DN ngành cơ khí chế tạo ở KCN Biên Hòa 1
Sản xuất tại một DN ngành cơ khí chế tạo ở KCN Biên Hòa 1

Theo ông Phạm Văn Sinh, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, Giám đốc Công ty CP Gỗ LiDo (H.Trảng Bom), thông qua hội chợ, triển lãm và các hội thảo chuyên đề xung quanh, các DN đã tiếp nhận thêm được nhiều thông tin bổ ích, kết nối được với một số đối tác trong và ngoài nước để tìm kiếm cơ hội bán hàng.

Cũng theo Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, tháng 9 tới đây, tại Đồng Nai sẽ tiếp tục tổ chức hội chợ đồ gỗ. Đây là hội chợ đồ gỗ phục vụ thị trường nội địa nhằm làm cầu nối cho các DN sản xuất, chế biến gỗ cập nhật xu hướng thị trường trong nước. Đồng thời, tạo điều kiện người tiêu dùng Việt Nam tiếp cận, thừa hưởng những sản phẩm nội thất chất lượng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu do chính người Việt làm ra, phát huy sức mạnh tổng hợp giữa thị trường nội địa tiềm năng và sự tăng trưởng liên tục của xuất khẩu. 

Các doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại do Hiệp hội Gỗ và thủ công mỹ nghệ Đồng Nai phối hợp với các hiệp hội cùng ngành nghề tổ chức trong tháng 8-2023

Tương tự, theo Bộ Công thương, một loạt DN trên thế giới sẽ đến Việt Nam để gặp gỡ, tìm kiếm hợp đồng làm ăn với các DN trong nước. Chuỗi sự kiện này dự kiến diễn ra tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Sài Gòn (SECC), TP.HCM từ ngày 13 đến 15-9. Mục tiêu nhằm kết nối các kênh phân phối, các nhà nhập khẩu nước ngoài với các DN sản xuất, xuất khẩu Việt Nam, giúp DN tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Văn Gia

Tin xem nhiều