Sau thành công của cây thanh long ruột trắng, bà con nông dân ấp 2, xã Xuân Hưng đang tiếp tục gặt hái thắng lợi nhiều hơn từ cây thanh long ruột đỏ...
Sau thành công của cây thanh long ruột trắng, bà con nông dân ấp 2, xã Xuân Hưng đang tiếp tục gặt hái thắng lợi nhiều hơn từ cây thanh long ruột đỏ...
Không chỉ tại địa bàn ấp 2, mà hiện nay cây thanh long còn được nhân rộng ra địa bàn ấp 4, ấp 5, biến các vùng đất trắng, hoang hóa bạc màu xưa kia thành những vùng đất hái ra "vàng".
Năm 2009, anh Nguyễn Đình Phúc đã mạnh dạn hùn vốn, thành lập hẳn một công ty cổ phần mang tên Thiên Hoàng, chuyên trồng, sản xuất giống thanh long ruột đỏ H14 Long Đỉnh. Theo anh Phúc, qua thời gian nghiên cứu, tìm hiểu, anh nhận thấy giống thanh long ruột đỏ H14 Long Đỉnh chống chọi mạnh hơn với thời tiết khắc nghiệt, thời gian thu hoạch kéo dài hơn, nên năng suất đạt cao, đặc biệt ruột thanh long có màu đỏ sậm và thơm ngon hơn các giống thanh long khác. Từ một vài hécta ban đầu, đến nay công ty của anh đã phát triển trên 13 hécta thanh long, trong đó có trên một nửa diện tích đã cho thu hoạch. Anh Phúc cho biết, nhờ áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nên năng suất thanh long đạt khá cao. Một hécta thanh long, nếu chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, chỉ sau 8 tháng sẽ cho trái bói, đến năm thứ 3 đạt năng suất bình quân 35 tấn/hécta và sẽ tăng dần theo các năm, thậm chí đến năm thứ 10 năng suất còn đạt đến đỉnh điểm 80 tấn/hécta. Với giá thu mua thời điểm chính vụ từ 25 - 30 ngàn đồng/kg và trái vụ từ 45 - 50 ngàn đồng/kg, sau khi trừ đi các khoản chi phí, công ty anh thu lợi từ 600 - 800 triệu đồng/hécta.
Hiện diện tích cây thanh long của cả xã Xuân Hưng đã mở rộng trên 70 hécta, trong đó có khoảng 25 hécta là thanh long ruột đỏ.
Thanh Cường - L.Tùng