Khổ qua là loại rau ăn trái được trồng khá nhiều ở vùng Xuân Lộc, Long Khánh, Thống Nhất và Nhơn Trạch. Khổ qua dễ trồng, song để có năng suất, chất lượng cao, nông dân nên áp dụng theo một số quy trình kỹ thuật của Trung tâm khuyến nông Đồng Nai.
Khổ qua là loại rau ăn trái được trồng khá nhiều ở vùng Xuân Lộc, Long Khánh, Thống Nhất và Nhơn Trạch. Khổ qua dễ trồng, song để có năng suất, chất lượng cao, nông dân nên áp dụng theo một số quy trình kỹ thuật của Trung tâm khuyến nông Đồng Nai.
1/ Chuần bị đất trồng
- Nên chọn loại đất thịt nhẹ giữ được ẩm, thoát nước tốt để trồng khổ qua. Đất trồng tốt nhất là luân canh với lúa nước, lưu ý không trồng độc canh khổ qua hoặc các cây thuộc họ bầu, bí vì như vậy rất dễ tích lũy sâu bệnh cho các vụ sau.
- Đất trồng khổ qua nên bổ sung thêm vôi, tro hoặc trấu với liều lượng 100kg vôi/sào (1 sào là 1.000 m2) và 60kg tro, trấu/sào. Ngoài ra, bón thêm phân chuồng ủ hoai mục có trộn chế phẩm Trichoderma sp với liều lượng 1/2kg hay 1/2 lít cho 1m3 phân chuồng ủ.
- Trước khi trồng, cày đất phơi ải từ 7-10 ngày. Sau khi phơi ải 4-5 ngày tiến hành rải vôi, tro, trấu và phân chuồng ủ hoai. Hết thời gian phơi ải lên liếp rộng 1,2m, chiều dài liếp thay đổi theo kích thước vườn nhưng không dài quá 20m, chiều cao của liếp từ 10-15cm, vào mùa mưa làm liếp cao hơn mùa khô. Khoảng cách giữa 2 liếp là 30cm để thoát nước và đi lại chăm sóc.
2/ Thời vụ trồng
- Nếu chủ động được nguồn nước tưới có thể trồng khổ qua quanh năm. Tuy nhiên, trong mùa khô trồng khổ qua năng suất sẽ cao hơn. Trồng khổ qua trong mùa mưa phải chú ý các đối tượng gây hại nặng như: sâu ăn lá, bệnh sương mai, phấn trắng, chết cây con.
3/ Chọn giống và khoảng cách trồng
- Có thể sử dụng các giống khổ qua F1: 71, 241, 242, 277 hay giống SG4-1, giống khổ qua mỡ, giống khổ qua địa phương có chọn lọc.
- Lượng hạt giống để trồng khoảng 250- 300 gram/sào.
- Hạt giống trước khi trồng xử lý bằng cách ngâm nước ấm với liều lượng 2 sôi 3 lạnh trong 4 - 5 giờ rồi vớt ra rửa sạch để ráo nước và cho vào khăn ẩm ủ lại đến khi nhú mầm thì đem gieo.
- Khổ qua trồng hàng cách hàng 80-100cm, cây cách cây 50-60cm. Mỗi gốc chỉ trồng 1 hạt.
4/ Cách bón phân
- Bón lót: Số lượng phân bón lót cho 1 sào khoảng 1,6 tấn phân chuồng, 22kg super lân và 6kg kali.
- Bón thúc lần 1: Khi cây được 3-4 lá bón thúc 4kg ure.
- Bón thúc lần 2: Khi cây khổ qua có tua mỗi sào bón 0,7 tấn phân chuồng ủ hoai, 11kg super lân, 6kg kali, 8kg ure.
- Bón thúc lần 3: Khi cây có hoa cái bón thêm 8kg ure và có thể phun thêm phân bón lá trước hoặc sau giai đoạn bón thúc. Mỗi lần bón thúc nên làm cỏ và vun đất vào gốc cho cây.
5/ Chăm sóc
- Làm giàn, xới đất vun gốc khi cây cao 10 - 12cm để cây khỏi đổ ngã và bò lan ra mặt đất. Khi cây cao 20cm thì cắm chà để tua bám vào. Chú ý nên cắm chà đứng, giăng lưới giúp ruộng thông thoáng, cây sinh trưởng tốt, ít bệnh, năng suất cao. Cây khổ qua cao khoảng 50cm (trước khi có hoa) tiến hành nạo vét rãnh kết hợp với vun gốc.
- Bà con nên sử dụng các kỹ thuật ủ liếp bằng ny-lông đen để hạn chế cỏ dại, các loại sâu hóa nhộng trong đất và hạn chế quá trình lây nhiễm bệnh, đồng thời tránh được lá bị đất bám khi trời mưa. Để đảm bảo mật độ trồng và cây con khỏi bị chết nên dùng vỉ ươm cây con.
- Thời tiết khô hạn nên tưới cho khổ qua 1 ngày/lần vào sáng sớm hoặc chiều tối, không tưới khi trời đang nắng nóng.
6/ Thu hoạch
- Tiến hành thu hoạch khổ qua khi trái đủ tuổi, không nên hái quả quá non làm giảm năng suất, song hái quả quá già sẽ ảnh hưởng đến chất lượng.
- Thời gian giữa hai đợt thu hoạch khoảng 1 - 2 ngày. Thời gian thu hoạch khổ qua dài hay ngắn là tùy theo mùa vụ và sinh trưởng của từng loại giống. Tuy nhiên, một vụ khổ qua nếu chăm sóc tốt có thể thu được từ 8 - 10 lứa. Do thu hoạch nhiều lần, khổ qua lại có nhiều loại sâu bệnh gây hại nên bà con nông dân cần chú trọng khi sử dụng thuốc phòng trừ. Từ lúc cây khổ qua ra hoa cho đến khi thu hoạch nếu bị sâu bệnh, bà con nông dân chỉ nên dùng thuốc vi sinh để phòng trừ để đảm bảo chất lượng của trái, tránh dùng thuốc hóa học vì có thể làm tồn dư chất hóa học trong trái làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Nguyệt Hạ