Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng nông thôn mới ở xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc:
Khi người dân đồng thuận...

10:11, 29/11/2010

Có thể nói, sau một năm được chọn làm điểm xây dựng mô hình "Nông thôn mới", bộ mặt nông thôn của xã Xuân Định đã có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng lên. Dự ước, trong năm 2010, mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn toàn xã đã vượt trên 20 triệu đồng, cao hơn 1 triệu đồng so với mức bình quân chung ở huyện Xuân Lộc.

Có thể nói, sau một năm được chọn làm điểm xây dựng mô hình "Nông thôn mới", bộ mặt nông thôn của xã Xuân Định đã có nhiều khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện, nâng lên. Dự ước, trong năm 2010, mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn toàn xã đã vượt trên 20 triệu đồng, cao hơn 1 triệu đồng so với mức bình quân chung ở huyện Xuân Lộc. Đặc biệt, qua công tác kiểm tra đánh giá, xã Xuân Định đã cơ bản đạt 31/31 tiêu chí xây dựng nông thôn mới...

 

* Dựa vào sức dân

 

Ông Bùi Trọng Vinh, Bí thư Đảng ủy xã vui mừng khoe với chúng tôi: "Cái được lớn nhất, quyết định đến sự thành công ở Xuân Định hôm nay chính là chương trình xây dựng nông thôn mới luôn nhận được sự đồng tình và hưởng ứng của đông đảo người dân. Trong đó, việc nhiều con đường giao thông nông thôn được xã thực hiện "nhựa hóa" theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm" gắn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra" trên tinh thần phát huy nội lực trong nhân dân... là một bước đột phá quan trọng, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn".

 

Mô hình khu chợ đầu mối Xuân Định tại lễ khởi công.

Thật vậy, ngay khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn (GTNT) trên địa bàn xã đã được chính quyền và nhân dân địa phương sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới hoàn thành vượt tiến độ, với tổng chiều dài được "nhựa hóa" và bê tông nhựa nóng gần 26km (với kinh phí đầu tư gần 12,3 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp từ 50-100% kinh phí, cùng hàng chục ngàn ngày công lao động), nâng tỷ lệ đường giao thông được nhựa hóa và bê tông hóa toàn xã đạt trên 85%. Đặc biệt, tất cả các hộ dân có nhà dọc 2 bên đường không những tự nguyện hiến đất, hoặc tự tháo gỡ, chặt bỏ những cây trồng, vật kiến trúc... không đòi bồi thường, mà còn tích cực đóng góp thêm tiền để làm đường. Nhiều hộ dân phấn khởi cho biết: "Việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm các công trình GTNT trong xã đã giúp người dân rất nhiều trong việc đi lại, nhất là giảm được chi phí vận chuyển nông sản, hàng hóa. Ngoài ra, nhờ có đường sá lưu thông thuận tiện, người dân có điều kiện để đầu tư phát triển các mô hình kinh tế trang trại; chăn nuôi gia súc gia cầm qua đó cũng đã được tập trung vào vườn rẫy, xóa bỏ tình trạng chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư".

 

Được biết, bên cạnh việc làm đường, nhân dân xã Xuân Định còn đóng góp trên 5 tỷ đồng để đưa lưới điện về tận các ấp vùng sâu, vùng xa, nâng tỷ lệ số hộ sử dụng điện trong xã đạt 99,8%; riêng số hộ sử dụng nước hợp vệ sinh cũng đã đạt 100%.

 

* Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế

 

Chỉ sau một năm có điện, có đường và các vùng trồng cây ăn trái, cây công nghiệp, vùng chăn nuôi được quy hoạch một cách hợp lý đã góp phần làm thay đổi nhanh chóng đời sống kinh tế của người dân trong xã, nhất là đối với các hộ dân sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người.

 

Cụ thể, với lợi thế vùng đất đỏ bazan, bà con nông dân được xã khuyến khích đẩy mạnh phát triển trồng các loại cây ăn trái đặc sản mang "thương hiệu" địa phương được nhiều nơi trong cả nước biết đến, như chôm chôm, sầu riêng ở 2 ấp Bảo Định, Bảo Thị. Trong đó có trên 80% diện tích được trồng giống sầu riêng Monthom, G6 và trên 90% giống chôm chôm Thái, chôm chôm nhãn cho giá trị kinh tế trên 100 triệu đồng/hécta. Ngoài ra, khoảng 3 năm trở lại đây, xã Xuân Định còn quy hoạch thêm các vùng cây cao su, mít Thái Lan tại ấp Nông Doanh, Bảo Thị với mức thu nhập bình quân từ 100-150 triệu đồng/hécta. Riêng nghề nuôi trồng nấm mèo cũng phát triển khá mạnh với 120 hộ xây dựng lò nấm và 400 hộ nuôi trồng nấm mèo, hàng năm sản xuất được 3.774 tấn, đạt giá trị trên dưới khoảng 5 tỷ đồng, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho 325 lao động tại địa phương. Bên cạnh trồng trọt, người dân xã Xuân Định còn mạnh dạn đầu tư chăn nuôi theo mô hình trang trại tập trung và thực tế đến nay đã phát triển được 61 trang trại, trong đó có 7 trang trại chăn nuôi kết hợp xây dựng mô hình máy phát điện bioga.

 

Trên lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, toàn xã cũng phát triển khá đa dạng với 134 cơ sở sản xuất - kinh doanh. Trong đó, tập trung nhiều nhất là ngành thu mua, sơ chế biến nông sản để giải quyết ổn định đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp và nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường và hỗ trợ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

 

* Nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên gấp 3 lần

 

Kinh tế của xã phát triển đã kéo theo nhiều chuyển biến tích cực trên lĩnh vực văn hóa - xã hội. Hiện toàn xã đã có 3/3 ấp luôn giữ vững danh hiệu ấp văn hóa nhiều năm liền, cả xã không còn hộ nghèo theo chuẩn mới; 100% hộ có nhà kiên cố và bán kiên cố; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 0,9%. Ngoài ra, trên lĩnh vực giáo dục, cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, nhân dân, xã Xuân Định còn đóng góp trên 3 tỷ đồng xây dựng mới 18 phòng học, phấn đấu đến cuối năm 2010 toàn xã có 3/4 trường đạt chuẩn quốc gia.

 

Không dừng lại ở đó, Bí thư Đảng ủy xã Bùi Trọng Vinh cho biết, mục tiêu quan trọng nhất mà Đảng ủy, Ban chỉ đạo xây dựng "nông thôn mới" của xã đang hướng tới, đó là quyết tâm đưa được mức thu nhập GDP bình quân đầu người đến năm 2013 đạt từ 60-70 triệu/người/năm, tăng gấp 3 lần hiện nay. Ông Vinh nói, mục tiêu này là trong tầm tay, bởi hiện tại xã đã khởi công xây dựng khu chợ đầu mối tại ấp Bảo Định với diện tích 30.000m2, kinh phí đầu tư trên 38 tỷ đồng và đây sẽ là nơi tập trung, thu mua các nguồn hàng trong dân để trung chuyển đi các nơi, nhằm tránh tình trạng hàng hóa nông sản do nông dân làm ra bị tư thương ép giá. Bên cạnh đó, xã cũng đã quy hoạch xong khu chăn nuôi gia súc tập trung theo công nghệ cao tại ấp Bảo Định và tiếp tục cho mở rộng vùng chăn nuôi heo tập trung theo hướng trang trại... Ngoài ra, xã cũng đang tiếp tục đẩy mạnh việc thành lập thêm các câu lạc bộ (CLB) và liên hiệp CLB năng suất cao để tập trung chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới có năng suất, chất lượng vào sản xuất, góp phần nâng cao nguồn thu nhập cho người dân. Bí thư Đảng ủy xã Bùi Trọng Vinh cũng cho rằng, kinh tế phát triển chính là chìa khóa để xã Xuân Định tiếp tục hoàn thành nốt một tiêu chí cuối cùng là nhựa hóa, cứng hóa 100% đường GTNT theo 19 tiêu chí quốc gia "nông thôn mới" của Chính phủ vào năm 2013.

Thanh Cường

 

 

Tin xem nhiều