Đồng Nai hiện có trên 7 ngàn hécta tiêu, vào mùa mưa thời tiết nóng ẩm, bệnh chết nhanh, chết chậm phát triển mạnh, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Mới đây, một số nông dân đã áp dụng quy trình an toàn dịch bệnh nên cây tiêu ít bệnh, năng suất và chất lượng đều tăng.
Đồng Nai hiện có trên 7 ngàn hécta tiêu, vào mùa mưa thời tiết nóng ẩm, bệnh chết nhanh, chết chậm phát triển mạnh, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Mới đây, một số nông dân đã áp dụng quy trình an toàn dịch bệnh nên cây tiêu ít bệnh, năng suất và chất lượng đều tăng.
* Năng suất tăng không khó
Tiêu là một trong 5 loại cây trồng chủ lực của tỉnh được khuyến khích trồng mới và thâm canh. Tuy cây tiêu đem lại hiệu quả kinh tế cao, song đây là loại cây trồng khó tính, nếu không được chăm sóc kỹ rất dễ bị sâu bệnh. Gần đây, một số nông dân ở huyện Trảng Bom đã áp dụng quy trình an toàn dịch bệnh cho cây tiêu, kết quả vườn tiêu phát triển tốt, ít sâu bệnh, giảm được nhiều chi phí đầu vào và chất lượng được cải thiện.
Ông Hoàng Văn Lập ở ấp Trường An, xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom) cho biết: "Vườn tiêu hơn 1 hécta của tôi cho trái được khoảng 6 năm. Trước đây, tôi chăm sóc theo phương pháp cũ, vào mùa mưa cây hay bị bệnh, phải thường xuyên phun xịt thuốc trừ sâu nên mỗi năm mất trên 30 triệu đồng. Năm 2009, tôi áp dụng mô hình an toàn dịch bệnh cho cây tiêu bằng cách tăng lượng phân bón hữu cơ, giảm phân hóa học, chuyển sang dùng các loại thuốc sinh học phòng trừ sâu bệnh hại cây. Kết quả, vườn tiêu ít sâu bệnh, năng suất tăng thêm 1,5 tấn/hécta, chi phí mua thuốc hóa học phòng bệnh cho cây giảm gần 2/3 nên lợi nhuận tăng gần 50 triệu đồng/hécta".
Ông Đặng Bá Hồng ở ấp Cây Điều, xã Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) kể: "Tôi áp dụng quy trình an toàn dịch bệnh nên vườn tiêu gần 9 hécta rất ít bị bệnh chết nhanh, chết chậm và các bệnh khác. Do đó, tôi giảm được khá nhiều tiền mua thuốc bảo vệ thực vật và công phun xịt thuốc. Dự kiến liên vụ tiêu tới, năng suất vườn tiêu của tôi sẽ tăng thêm hơn 1 tấn/hécta. Nếu giá tiêu vẫn giữ mức 80 ngàn đồng/kg như thời điểm hiện nay, khoản lời của tôi sẽ tăng thêm gần 100 triệu đồng/hécta".
* Còn ngần ngại áp dụng
Mặc dù thực hiện quy trình an toàn dịch bệnh sẽ giúp vườn tiêu phát triển bền vững, ít sâu bệnh, năng suất, chất lượng được nâng lên, nhưng hiện rất ít người dân áp dụng. Vì vậy, cứ vào mùa mưa, dịch bệnh trên cây tiêu lại tăng nhanh khiến năng suất bình quân chỉ đạt 1,6 - 1,8 tấn/hécta.
Theo Chi cục bảo vệ thực vật, mỗi năm chi cục đều phối hợp với các trạm bảo vệ thực vật địa phương tổ chức các lớp tập huấn về cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại cây tiêu cho nông dân, nhưng số hộ áp dụng đúng quy trình không nhiều. Bởi làm theo quy trình, nông dân phải chuyển từ phân hóa học sang dùng phân hữu cơ ủ hoại, đồng thời việc chăm sóc, bón phân, phun xịt thuốc phòng trừ bệnh phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về kỹ thuật.
Năng suất tiêu cao hơn năm trước Vụ tiêu tới ở Đồng Nai sẽ được thu hoạch từ giữa tháng 12-2010 đến tháng 3-2011. Theo nông dân trồng tiêu, năm nay hạn hán làm giảm năng suất nhiều loại cây trồng, nhưng riêng cây tiêu vẫn tăng cao năng suất hơn năm trước. Vì vào thời kỳ hạn nhất lại đúng vào lúc cây tiêu cần phải xiết nước để bông ra nhiều và đậu trái đồng loạt. |
Ông Nguyễn Văn Dần, Trưởng trạm thực vật huyện Trảng Bom, cho hay: "Theo thống kê, toàn huyện Trảng Bom chỉ có hơn 800 hécta tiêu, song thực tế diện tích tiêu đã tăng lên gần 2 ngàn hécta. Các vườn tiêu thường trồng xen cây cà phê, cây ăn trái nên năng suất không cao. Để giúp nông dân chuyên canh cây tiêu mang lại hiệu quả, mỗi năm Trạm bảo vệ thực vật huyện đều tổ chức các lớp tập huấn về cây tiêu và xây dựng mô hình điểm cho nông dân các xã học tập. Sau khi tham gia khóa tập huấn, những hộ thực hiện đúng quy trình thâm canh, cây tiêu phát triển tốt, ít sâu bệnh và năng suất tăng lên".
Đồng Nai là tỉnh có diện tích tiêu lớn thứ ba trong cả nước với tổng sản lượng gần 12 ngàn tấn/năm. Bình quân năng suất tiêu của toàn tỉnh chỉ gần 2 tấn/hécta/năm. Tuy nhiên, một số hộ ở các huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Tân Phú và Trảng Bom khi áp dụng quy trình kỹ thuật mới vào thâm canh đã đẩy năng suất tiêu tăng 3 - 5 lần nên lời thu được cũng tăng gấp 4 - 6 lần. Vì thế, có thời điểm giá tiêu xuống thấp nhiều nông dân lao đao, nhưng các hộ chuyên canh áp dụng tốt quy trình kỹ thuật vẫn có lời.
Hương Giang