Báo Đồng Nai điện tử
En

Huyện Cẩm Mỹ: Phát triển mạnh các loại cây trồng chủ lực

10:11, 22/11/2010

Sau 3 năm (2008-2010) thực hiện Dự án "Phát triển các loại cây trồng chủ lực", đến nay diện tích các loại cây trồng chủ lực được chuyển đổi cũng như thâm canh trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ đã phát triển rất mạnh, nhất là đối với cây cao su, cà phê, tiêu, sầu riêng...

Sau 3 năm (2008-2010) thực hiện Dự án "Phát triển các loại cây trồng chủ lực", đến nay diện tích các loại cây trồng chủ lực được chuyển đổi cũng như thâm canh trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ đã phát triển rất mạnh, nhất là đối với cây cao su, cà phê, tiêu, sầu riêng...

 

* Mạnh dạn đưa các loại cây trồng chủ lực vào sản xuất

 

Khi mới thành lập, huyện Cẩm Mỹ có trên 42.000 hécta đất nông nghiệp, chiếm đến 91,4% đất tự nhiên với nhiều loại cây trồng lâu năm (như: cà phê, tiêu, điều, cao su, cây ăn quả (chôm chôm, sầu riêng, mãng cầu xiêm, xoài, cam, quýt, bưởi, mít nghệ...) và cây hàng năm (lúa, bắp, rau, đậu các loại...). Tuy nhiên, do phần lớn diện tích các loại cây trồng nói trên được phân bố dàn trải, manh mún; trình độ canh tác của nông dân còn hạn chế; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang tính tự phát, còn lệ thuộc rất lớn vào thị trường... nên nền sản xuất nông nghiệp của huyện vẫn chưa thật sự ổn định, nông dân cứ lẩn quẩn chặt cây này trồng cây kia, rồi lại chặt cây kia trồng cây nọ...

 

Một vườn cao su tiểu điền ở xã Nhân Nghĩa.

Trước thực trạng nói trên, ngay từ năm 2007, Huyện ủy và UBND huyện Cẩm Mỹ đã xây dựng kế hoạch thực hiện dự án phát triển cây trồng chủ lực giai đoạn 2008-2010, nhằm mục tiêu từng bước thay đổi tập quán canh tác của nông dân thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, tiến tới xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản được sản xuất theo hướng GAP để cung cấp các sản phẩm đảm bảo chất lượng cho thị trường, giúp nông dân nâng cao nguồn thu nhập trên một đơn vị diện tích...

 

Để thực hiện được mục tiêu này, huyện đã mạnh dạn chọn một số cây trồng chủ lực, có thế mạnh, được nông dân trồng nhiều, có kinh nghiệm để đưa vào phát triển sản xuất như: cà phê, tiêu, sầu riêng, mít nghệ, mãng cầu xiêm; đồng thời đưa cây cao su tiểu điền vào danh mục các loại cây trồng chủ lực. Ngoài ra, huyện cũng đã tổ chức điều tra, nghiên cứu và đã chọn ra được những xã có đủ điều kiện để tập trung đầu tư, xây dựng vùng chuyên canh phù hợp với các loại cây chủ lực. Cụ thể, cây cà phê được phân bố trồng tập trung ở các xã: Bảo Bình, Lâm San, Xuân Tây; cây sầu riêng trồng ở Nhân Nghĩa, Xuân Quế, Bảo Bình, Xuân Bảo; cây mãng cầu xiêm ở Xuân Bảo; cây mít nghệ ở Xuân Đông, Xuân Tây; cây tiêu ở xã Lâm San, Bảo Bình, Xuân Tây; cây cao su tiểu điền ở Sông Nhạn, Xuân Đường, Lâm San... Huyện đã giao cho UBND các xã phối hợp chặt chẽ với các ngành và cơ quan chuyên môn của huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức giúp đỡ, vận động nhân dân tham gia thực hiện dự án. Trong đó, Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn tham gia hỗ trợ và hướng dẫn nông dân ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa, điện khí hóa, đưa các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất; tăng cường các biện pháp thâm canh cây trồng theo hướng GAP, hoặc từng bước thay thế, chuyển đổi sang trồng các loại giống mới tốt hơn... Riêng MTTQ, các đoàn thể và các cơ quan truyền thông của huyện, xã thì tham gia tuyên truyền, vận động và giúp đỡ nhân dân trong huyện tích cực tham gia, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của dự án.

 

* Những hiệu quả đáng khích lệ...

 

Có thể nói, nhờ có sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực của người dân, sau 3 năm triển khai thực hiện, phần lớn diện tích trồng mới cũng như thâm canh của Dự án "Phát triển cây trồng chủ lực giai đoạn 2008-2010" đã đạt và vượt mục tiêu đề ra. Trong đó, các loại giống cây chủ lực có năng suất, chất lượng được trồng đạt tỷ lệ cao như: cây tiêu (đạt trên 130% kế hoạch), cây sầu riêng (đạt trên 383% kế hoạch), cây cao su (đạt trên 102% kế hoạch); các loại cây còn lại như: cà phê, mít nghệ... cũng đạt từ 60 đến gần 100%. Đó là chưa kể, huyện còn hỗ trợ kinh phí cho nông dân đầu tư thâm canh trên 5.600 hécta cây cà phê, 1.360 hécta cây tiêu, trên 1.400 hécta cây sầu riêng, 54 hécta cây mít nghệ, 80 hécta cây cao su, trên 350 hécta cây mãng cầu... Riêng năm 2010 - năm cuối của giai đoạn 2008-2010, diện tích trồng mới trên địa bàn huyện đã tăng rất nhanh so với những năm trước, như  cây cà phê trồng mới trên 205 hécta, cây tiêu trồng mới gần 60 hécta, cây cao su trên 211 hécta.

 

Cà phê là loại cây trồng chủ lực có diện tích nhiều nhất huyện.

Mặt khác, nhờ phần lớn các loại cây trồng chủ lực được nông dân sử dụng các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện đất đai canh tác và đặc điểm của từng vùng, nên cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Việc đầu tư thâm canh theo quy trình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao từng bước cũng đã được nông dân áp dụng, nhất là việc sử dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, bón phân qua đường ống; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo nguyên tắc 4 đúng (đúng lúc, đúng thuốc, đúng cách, đúng liều lượng)... đã góp phần làm tăng hiệu quả sản xuất.

 

Từ những kết quả nêu trên, có thể khẳng định: sau 3 năm thực hiện, Dự án "Phát triển cây trồng chủ lực giai đoạn 2008-2010" của huyện Cẩm Mỹ đã thu hút được đông đảo nhân dân trong huyện tham gia. Dự án này không những đã và đang tạo được một bước chuyển dịch mới trong cơ cấu cây trồng trên địa bàn toàn huyện, mà còn góp phần giúp cho nông dân trong huyện bước đầu sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, tạo nên những thương hiệu nông sản hàng hóa có chất lượng cao để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Nguyễn Đặng

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều