Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyển dịch cơ cấu cây trồng ở xã điểm xây dựng nông thôn mới:
Vẫn còn nhiều việc phải làm

10:11, 08/11/2010

Trong giai đoạn 2008-2010, huyện Vĩnh Cửu có 2 xã được chọn làm điểm để xây dựng xã "nông thôn mới" là Trị An và Tân An. Thế nhưng, thực tế đến nay ra sao?

Trong giai đoạn 2008-2010, huyện Vĩnh Cửu có 2 xã được chọn làm điểm để xây dựng xã "nông thôn mới" là Trị An và Tân An. Thế  nhưng, thực tế đến nay ra sao?

 

Qua khảo sát 2 xã điểm cho thấy, xã Trị An hiện chỉ mới hoàn thành 19 chỉ tiêu và xã Tân An chỉ mới hoàn thành 22 chỉ tiêu trên tổng số 32 chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới.

 

Ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng và phát triển nông thôn mới của huyện, cho biết: "Nét nổi bật trong thực hiện xã điểm nông thôn mới 2 năm qua là đội ngũ cán bộ cơ sở được tác động và gắn trách nhiệm; ở cơ sở có sự tuyên truyền sâu rộng đến người dân và qua đó người dân cũng đã hiểu và hợp tác với chính quyền để chung tay xây dựng. Trong đó, thể hiện rõ nhất là công tác xã hội hóa giao thông nông thôn, tổ chức các mô hình khảo nghiệm, mô hình trình diễn giống mới, cơ giới hóa nông nghiệp khá thành công...". 

 

Thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp ở Tân An.

Xã Trị An có tổng diện tích gieo trồng hơn 1.500 hécta, trong đó đất lâm nghiệp đã chiếm hơn phân nửa; còn lại là đất trồng cây lâu năm và hàng năm. Ông Nguyễn Văn Nghĩa, Chủ tịch UBND xã, giãi bày: "Với địa hình nhiều đồi dốc, không thể phát triển nguồn nước thủy lợi, nên việc phát triển trồng trọt trong mùa nắng là rất khó. Việc vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng tuy được xã thực hiện thường xuyên nhưng kết quả chưa cao". Thực tế ở đây cho thấy, xã có lợi thế là nơi đứng chân của Nhà máy đường Biên Hòa - Trị An và với chính sách đầu tư ưu đãi vùng nguyên liệu gần của nhà máy, nhưng diện tích mía của xã vẫn còn rất khiêm tốn: mới khoảng 100 hécta. Lý giải điều này, UBND xã cho rằng, do đất của nông dân nhỏ hẹp, manh mún; mùa nắng thiếu nước tưới, mùa mưa thì ngập úng, nên khó đầu tư phát triển diện tích cây mía. Mặt khác, người dân vẫn còn sản xuất theo thói quen, chưa mạnh dạn đầu tư, thay đổi cách làm ăn. Nếu có thì cũng chạy theo xu hướng thị trường nên dẫn đến tình trạng sản xuất chưa căn cơ, không đúng định hướng.

 

Còn xã Tân An trước nay là vùng lúa lớn nhất của huyện Vĩnh Cửu với diện tích lên đến cả ngàn hécta; điều kiện nước tưới ở xã khá dồi dào (từ các trạm bơm điện và nguồn nước tự chảy hồ Sông Mây). Nhưng đến nay việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi ở đây cũng chưa thật sự rõ nét.

 

 Ông Phạm Trung Nghĩa, Chủ tịch Hội Nông dân xã, bộc bạch:  "Đảng ủy, Chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã cũng rất quyết tâm trong việc vận động nông dân chuyển đổi, trong đó có nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả cao đã được trình diễn tại xã cho bà con thấy tận mắt nhưng việc áp dụng, nhân rộng còn quá thấp. Nguyên nhân một phần là do điều kiện đầu tư quá tầm, nhưng cái chính là bà con chưa thấy được hiệu quả lâu dài nên ngại đầu tư, rồi có xu hướng chạy theo những cây, con đang có giá trước mắt". Được biết, Tân An là một trong 3 xã có diện tích quy hoạch trồng bưởi (với diện tích 120 hécta) của huyện, và thực tế toàn xã đã phát triển được 84 hécta, nhưng gần đây người dân đã chặt bỏ gần 20 hécta để trồng mới các cây khác...

 

Hiện Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển nông thôn mới của huyện, cùng với các ngành liên quan và 2 xã điểm đã họp và thống nhất lựa chọn các dự án để tập trung nguồn vốn hỗ trợ sản xuất. Trong đó, ở Trị An có dự án thành lập tổ hợp tác trồng mía giống, quy mô bước đầu 5 hécta để cung cấp nguồn giống cho nhà máy đường Biên Hòa - Trị An; 5 mô hình trồng giống hoa lan Denro, quy mô 1 sào/mô hình; các mô hình nuôi cá rô đầu vuông, sản xuất lúa giống và rau. Còn ở Tân An có các mô hình nuôi cá, phát triển diện tích cây bắp, trồng rau trong nhà lưới, sản xuất lúa giống và mô hình tưới nước tiết kiệm cho vườn bưởi. Ông Võ Văn Phi, Phó chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng và phát triển nông thôn mới huyện nói: "Huyện rất quan tâm đến các mô hình nâng cao năng suất, hiệu quả của đất và nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, thông qua các mô hình này đã có hướng tính đến phát triển bền vững trong sản xuất ở 2 xã này".

Minh Lê

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều