Báo Đồng Nai điện tử
En

Nông nghiệp Đồng Nai tăng tốc phát triển

10:09, 06/09/2010

Trong 5 năm qua (2006 - 2010), sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai gặp nhiều khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, giá cả vật tư đầu vào tăng, suy giảm kinh tế thế giới làm ảnh hưởng đến đầu ra của nông sản... Nhưng nhờ kịp thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng kỹ thuật vào trong sản xuất, ngành nông nghiệp vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng, từng bước tăng thu nhập cho nông dân.

Trong 5 năm qua (2006 - 2010), sản xuất nông nghiệp ở Đồng Nai gặp nhiều khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, giá cả vật tư đầu vào tăng, suy giảm kinh tế thế giới làm ảnh hưởng đến đầu ra của nông sản... Nhưng nhờ kịp thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng kỹ thuật vào trong sản xuất, ngành nông nghiệp vẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng, từng bước tăng thu nhập cho nông dân.

 

* Chuyển đổi cây trồng

 

Để đối phó với những bất lợi về thời tiết, dịch bệnh, tỉnh đã phối hợp với các địa phương kịp thời vận động nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng vụ, sử dụng các giống mới năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh và những bất thường của thời tiết. Do đó, năng suất một số loại cây trồng vẫn tăng cao, giúp thu nhập người dân được cải thiện rõ rệt, số hộ sản xuất kinh doanh giỏi mỗi năm đều tăng.

Một vườn rau ở xã Phú Đông (huyện Nhơn Trạch) lắp đặt hệ thống tưới phun.

Ông Lý Phát Sinh, xã Lang Minh (huyện Xuân Lộc), cho hay: "Vào năm 2005, vùng đất Lang Minh chỉ trồng được 1-2 vụ lúa/năm và sản xuất chủ yếu dựa vào nước trời nên đời sống của tôi cũng như nhiều hộ dân khác ở đây rất khó khăn. Nhờ tỉnh và huyện đã đầu tư hệ thống kênh mương lấy nước phục vụ sản xuất, vận động người dân trong xã tăng vụ và chuyển qua trồng bắp. Từ hộ nghèo nhờ trồng 2 vụ bắp, 1 vụ lúa/năm nên lợi nhuận trên cùng 1 hécta của tôi đã tăng gấp 3-4 lần và hiện tôi đã thành hộ khá giả được tỉnh, trung ương khen thưởng". Nhiều nông dân ở các huyện, thị khác cũng cho hay, trước năm 2006, nhiều vùng đất vào vụ đông-xuân thường bỏ trống, nhưng nhờ chuyển đổi cây trồng phù hợp vụ đông-xuân trở thành vụ thu nhập chính của nông dân. Bên cạnh đó, nhờ đưa các giống mới vào sản xuất và áp dụng kỹ thuật, năng suất của các loại cây trồng đều tăng từ 0,2 - 2 tấn/hécta như: bắp, lúa, rau, đậu. Cá biệt có những nông dân ở xã Xuân Phú, Lang Minh (huyện Xuân Lộc); Lâm San, Xuân Đông, Sông Ray (huyện Cẩm Mỹ); Đắc Lua (huyện Tân Phú)... còn đẩy năng suất cây lúa 1 vụ lên 7-8 tấn/hécta và bắp 11-13 tấn/hécta, gấp 2 lần năng suất bình quân của toàn tỉnh.

 

Theo ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện nay gần 100% diện tích lúa, bắp, đậu, mía, mì được gieo trồng bằng giống mới. Trên cây điều, cây ăn trái các loại đang thay dần giống mới có năng suất và chất lượng cao hơn.

 

Ngoài thay đổi các giống cũ kém chất lượng, nông dân quan tâm áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới để giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất. Nhiều nông dân đã lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm và bón phân qua đường ống cho vườn cây lâu năm giảm được trên 80% công lao động, tiết kiệm một nửa lượng nước tưới so với tưới tràn, vào mùa khô tránh được thiếu nước, trong khi cây sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, năng suất tăng cao. Thực tế, một số vườn tiêu lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm năng suất từ 2 tấn/hécta đã tăng lên 5-6 tấn/hécta, có hộ còn đẩy năng suất lên 8-10 tấn/hécta; trên cây xoài lắp đặt hệ thống này năng suất cũng tăng thêm gần 10 tấn/hécta. Đồng thời với các cây trồng mới còn rút ngắn được thời gian cho trái khoảng 1 năm. Trước đây, nhiều loại cây trồng chủ yếu lệ thuộc vào thời tiết, nay nông dân đã biết xử lý ra hoa đồng loạt tăng tỷ lệ đậu trái và ra hoa nghịch vụ cho trái sớm để tránh thời tiết bất lợi, giá bán lại cao.

 

* Đưa cơ giới hóa vào sản xuất

 

Với mục tiêu, đưa nông nghiệp Đồng Nai sản xuất theo hướng hàng hóa để nông sản làm ra dễ dàng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nâng cao đời sống cho người dân, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 97 về "tam nông" và UBND tỉnh đã có Quyết định 43 về cây con chủ lực . Bên cạnh đó, các huyện, thị đang từng bước quy hoạch và hình thành các vùng chuyên canh để chuyển giao kỹ thuật, đưa máy móc vào sản xuất, giảm chi phí đầu vào. Để thực hiện được điều này, các địa phương tập trung phát triển kinh tế tập thể. Đến nay, toàn tỉnh có trên 1.400 hợp tác xã, tổ hợp tác, câu lạc bộ và liên hiệp CLB năng suất cao cùng hơn 3 ngàn trang trại. Đa số các hộ tham gia làm thành viên trong các tổ chức kinh tế tập thể có năng suất cây trồng, vật nuôi cao hơn các hộ ở ngoài.

 

Nhận ra tầm quan trọng của cơ giới hóa trong nông nghiệp, nông dân trong tỉnh đã từng bước đưa máy móc vào thay sức người. Hiện nay, các khâu làm đất gần 100% dùng máy móc. Các khâu khác như tưới tiêu, sơ chế, chế biến sản phẩm nông nghiệp dần được làm bằng máy tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang hoạt động các ngành công nghiệp, dịch vụ. Hiện số máy kéo, máy xới, máy bơm nước, máy tuốt, máy gặt, sơ chế nông sản... toàn tỉnh trên 100 ngàn chiếc, tăng gần 12 ngàn chiếc so với năm 2005. Nhờ cơ giới hóa nông nghiệp, bộ mặt nông thôn Đồng Nai có sự thay đổi đáng kể, năm 2005 giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt gần 5.600 tỷ đồng, năm 2009 tăng lên hơn 7.500 tỷ đồng và dự kiến năm 2010 đạt gần 8 ngàn tỷ đồng.

 

Trong chăn nuôi nhiều hộ và trang trại đã áp dụng máy móc và hệ thống dây chuyền tự động cho heo, bò, gà ăn bằng máy. Có cơ sở sử dụng hệ thống thông gió, làm mát bằng hơi nước, máy điều hòa nhiệt độ, máy ấp trứng và máy vắt sữa bò tăng hiệu quả trong chăn nuôi, sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, giá bán cao hơn giá thị trường.

Hương Giang

 

Tin xem nhiều