Một phụ nữ nông dân thu về mỗi năm khoảng 400 triệu đồng (sau khi trừ chi phí). Con số đó chẳng thấm vào đâu, nếu đem so với các đại gia làm trang trại hiện nay. Tuy nhiên, điều đáng nói là người phụ nữ nông dân này đã có cách nghĩ, cách làm đầy sáng tạo. Bà tên là Võ Thị Mỹ Lệ, 50 tuổi, ở ấp 5, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Một phụ nữ nông dân thu về mỗi năm khoảng 400 triệu đồng (sau khi trừ chi phí). Con số đó chẳng thấm vào đâu, nếu đem so với các đại gia làm trang trại hiện nay. Tuy nhiên, điều đáng nói là người phụ nữ nông dân này đã có cách nghĩ, cách làm đầy sáng tạo. Bà tên là Võ Thị Mỹ Lệ, 50 tuổi, ở ấp 5, xã Minh Lập, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
* Cần cù và biết chắt chiu
Đến thăm trang trại của gia đình bà Lệ, điều đầu tiên chúng tôi cảm nhận được là dường như gia đình này chuyên trồng các loại cây ăn trái, đặc biệt là cây có múi. Hiện tại, trong tổng số 19 hécta đất của gia đình bà Lệ có hơn 10 hécta trồng quýt, cam sành, chanh và tắc. Số còn lại khoảng 9 hécta trồng điều và cao su.
Nhìn những vườn cây xanh tốt đang cho thu hoạch, ít ai có thể hình dung trang trại này được hình thành theo kiểu cuốn chiếu. Bà Lệ cho biết thời gian đầu mới lập vườn, do không có đủ vốn nên mỗi năm gia đình bà chỉ trồng một ít cây để lấy thu bù chi. Cũng nhờ cách làm đó mà đất đai của gia đình bà dần được trồng kín các loại cây...
Bà Lệ nói: sở dĩ gia đình bà trồng nhiều loại cây, vì để không quá phụ thuộc vào một loại cây nào đó. Nếu loại cây này rớt giá, mất mùa thì cũng còn nhờ những cây khác. Với các loại cây ăn trái, gia đình bà luôn chăm chút rất kỹ. Bà Lệ tâm sự: “Mình bán trái cây để người ta ăn, vì vậy sản xuất phải đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Nếu sản phẩm mình làm ra không an toàn thì chẳng những làm hại người mà còn là tự hại chính mình”.
Trái cây sau khi thu hoạch, gia đình bà Lệ không chỉ bán cho thương lái mà còn dùng chế biến thành các loại nước ép trái cây, bánh kẹo trái cây để sử dụng và còn bán cho người dân địa phương. Về điều này, bà Lệ nói đó cũng là cách nhằm hạn chế thất thoát khi thu hoạch, cũng như tránh tình trạng những trái cây có hình thức không đẹp mắt bị thương lái ép giá.
Được biết, hiện nay gia đình bà Lệ đã đăng ký nhãn hiệu độc quyền (Long Hổ) đối với một số sản phẩm từ trái cây như: mít ngào đường mật ong, nước cốt cam sành, tắc mật ong... Đương nhiên, các sản phẩm này cũng được đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
* Phải có hướng đi của riêng mình
Đặc biệt, với một loài trái cây có rất nhiều ở Bình Phước mà khi thu hoạch người ta thường bỏ đi đó là trái điều cũng được gia đình bà Lệ tận dụng chế biến thành thực phẩm như: nước màu trái điều, rượu trái điều, kẹo trái điều, mứt trái điều và khô trái điều. Tại “Lễ hội Quả điều vàng Việt Nam” diễn ra tại Bình Phước vào tháng 3-2010, các sản phẩm từ trái điều của gia đình bà Lệ đã thu hút sự chú ý của nhiều người tham quan. Cũng với các sản phẩm này, sau đó bà Lệ được Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) công nhận danh hiệu “Nhà nông sáng tạo” điển hình năm 2010 tại Festival trái cây Việt Nam lần I, diễn ra vào tháng 4-2010 tại TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Bà Lệ cho hay, hiện nay bà đang xây dựng hoàn chỉnh cơ sở sản xuất thực phẩm từ trái cây để có thể đưa vào hoạt động, chế biến trái cây, đặc biệt là đối với trái điều trong vụ thu hoạch tới.
Bình Phước là một trong những tỉnh có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhưng ngành chế biến trái cây hầu như chưa được đầu tư đúng mức, thậm chí là còn bỏ ngỏ. Vì thế, sản phẩm trái cây làm ra, người trồng thường chỉ bán cho các thương lái, và những năm qua cái điệp khúc được mùa thì mất giá đã làm cho không ít nhà nông chặt bỏ vườn cây ăn trái. Nằm trong hoàn cảnh đó, gia đình người nông dân Võ Thị Mỹ Lệ đã tìm hướng đi cho riêng mình để góp phần tăng thu nhập trong sản xuất.
Thống Nhất- Lâm Phương