Với khoảng 5.100 hécta đất chuyên trồng cây mãng cầu, năng suất bình quân từ 7,5 đến 8 tấn mỗi hécta, mãng cầu của Tây Ninh hôm nay hầu như đã có mặt khắp nơi trên thị trường cây ăn trái của cả nước. Hơn 10 năm qua, mãng cầu ta ở Tây Ninh đã trở thành đặc sản và giúp hàng ngàn hộ thoát nghèo, làm giàu...
Với khoảng 5.100 hécta đất chuyên trồng cây mãng cầu, năng suất bình quân từ 7,5 đến 8 tấn mỗi hécta, mãng cầu của Tây Ninh hôm nay hầu như đã có mặt khắp nơi trên thị trường cây ăn trái của cả nước. Hơn 10 năm qua, mãng cầu ta ở Tây Ninh đã trở thành đặc sản và giúp hàng ngàn hộ thoát nghèo, làm giàu...
* Đổi đời nhờ mãng cầu
Thấp thoáng trong màu xanh mát của những vườn mãng cầu trải dài theo chân núi Bà Đen là những ngôi nhà kiên cố một trệt một lầu. Trong số những ngôi nhà ấy, cũng có vài biệt thự sân vườn, có hồ bơi và đường xe để ô tô ra vào. Đó là thành quả của những tháng ngày chắt chiu chăm bón cho những nụ hoa mãng cầu ngọt lịm thơm mùi sữa và thấm đượm hơi nước từ núi đá.
Vùng đất màu mỡ quanh chân núi Bà Đen được xem là vùng trọng điểm của cây mãng cầu Tây Ninh với tổng diện tích được gieo trồng hiện nay lên đến hơn 2.000 hécta, gần 50% tổng diện tích cây mãng cầu trên địa bàn toàn tỉnh Tây Ninh. Những năm gần đây, diện tích trồng mãng cầu ta ở Tây Ninh ngày càng được mở rộng và được bà con nông dân quan tâm đầu tư đặc biệt. Nhiều người còn thuê thêm đất để trồng mãng cầu làm giàu. "Tỷ phú mãng cầu" ở Tây Ninh có đến vài chục người. Đến các xã Tân Bình, Thạnh Tân, Ninh Sơn (thị xã Tây Ninh) và hỏi đến anh Bảy Cao, chú Ba Đi, anh Tư Xương, anh Bảy Nhện... ai cũng biết đó là những ông vua ở xứ sở mãng cầu này. Mỗi vụ thu hoạch, lợi nhuận thu vài trăm triệu đồng trở thành chuyện bình thuờng. Những ông vua của xứ mãng cầu có thể điều khiển, chăm chút để cây mãng cầu "ngoan ngoãn" cho trái quanh năm. Họ hiểu rất rõ đặc tính và sự phát triển từng cây mãng cầu trong vườn. Quan sát, theo dõi, rồi ra toa "bốc thuốc" để phòng bệnh, trị bệnh... mỗi cây mãng cầu luôn là nguồn sinh lợi cho họ.
* Công nghệ làm vườn
Mãng cầu ta trước đây mỗi năm chỉ làm được một vụ, ngày nay, những ông vua mãng cầu có thể ký hợp đồng giao trái mãng cầu chất lượng theo đúng thời điểm khách hàng yêu cầu. Thử ăn một trái mãng cầu chín cây nghe hương vị ngọt đậm, hay nhạt, có vị chua hay không... những người trồng mãng cầu ở đây sẽ có cách để điều chỉnh lại phân bón cho vụ sau trái mãng cầu đạt chất lượng hơn. Ăn trái mãng cầu ta của vùng núi Bà Đen, người thưởng thức sẽ cảm nhận được sự ngọt ngào dịu dàng đọng lại trên lưỡi, để rồi lại muốn ăn thêm nữa. Ăn được một trái mãng cầu chín cây rất ngon.
Hiện nay, bà con nông dân đã sử dụng biện pháp bấm nhánh tỉa cành và xuốt lá mãng cầu ngay sau khi thu hoạch trái, mãng cầu được tưới bù nước trong mùa khô hạn nên cây mãng cầu vẫn phát triển đạt yêu cầu và cho trái quanh năm. Mãng cầu ta ở Tây Ninh không cần nhiều trái, mỗi cây chỉ để lại khoảng 30 trái tương đương 10 kg là đạt yêu cầu. Trái mãng cầu ta của Tây Ninh đã có mặt tại các siêu thị và cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất để mỗi ngày bay ra Hà Nội lên các cửa khẩu phía Bắc và từ đó đi sang thị trường Trung Quốc. Và mỗi ngày bà con nông dân trồng mãng cầu ở Tây Ninh cũng đang cung cấp cho thị trường cả nước gần 50 tấn trái mãng cầu có chất lượng cao.
Anh Ngô Văn Hiệp, người đã nghĩ ra biện pháp bấm nhánh để kích thích mãng cầu ra hoa cho biết, anh ghép và chiết nhánh mãng cầu cho vào chậu theo kiểu chơi kiểng bon-sai cung cấp cho thị trường tết năm nay. Hiện nay anh đã trồng thử vài chục cây trong chậu và đang có kết quả rất khả quan. Vài năm trở lại đây xứ mãng cầu Tây Ninh còn là một trong những điểm tham quan của du khách đến thăm Tây Ninh. Một tháng vài lần, những ông vua ở xứ mãng cầu còn trở thành hướng dẫn viên giới thiệu cho du khách những nét độc đáo của mãng cầu Tây Ninh, về kinh nghiệm chăm sóc, việc ứng dụng các kỹ thuật canh tác mới, làm thế nào để cho cây mãng cầu quanh năm ra hoa kết trái... một cách bài bản và hóm hỉnh.
Gần đây, bà con trồng mãng cầu đã chọn lựa và tuyển chọn các giống mãng cầu sẵn có tại địa phương như mãng cầu dai gai lỳ, gai chỏm, gai chỏm Thanh Long. Đặc biệt, giống mãng cầu thiên lý có tỷ lệ bông đậu trái rất cao để thay thế các giống mãng cầu ta chưa đạt chất lượng cao. Hiện nay, bà con nông dân trồng mãng cầu ở Tây Ninh đang vào thời điểm tỉa trái chăm sóc mãng cầu chuẩn bị cho vụ thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán và rằm tháng giêng. Sản phẩm trái mãng cầu ta của Tây Ninh từng bước được nâng lên với phẩm chất trái đảm bảo các yêu cầu cũng như tiêu chuẩn về thực phẩm. Ông Nguyễn Văn Nhành, Phó giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh Tây Ninh, cho biết tỉnh đang xây dựng thương hiệu "Mãng cầu Bà Đen", đảm bảo tính pháp lý để mãng cầu Tây Ninh có cơ hội tham gia thị trường nông sản chất lượng cao trong nước và xa hơn là thị trường thế giới.
***
Trồng mãng cầu ta ở Tây Ninh là mô hình làm kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bình quân mỗi hécta có thể cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng mỗi năm với hai vụ thu hoạch. Nông dân làm công như bấm cành, tỉa bông, xuốt lá, tỉa trái, tưới mãng cầu... có việc làm quanh năm ở đây với thu nhập bình quân từ 2 đến 3 triệu đồng mỗi tháng. Đây là một thế mạnh của nông nghiệp Tây Ninh, những nông dân tiêu biểu ở vùng trọng điểm mãng cầu của Tây Ninh đang tính toán thời vụ để tăng thêm diện tích và kéo theo hàng ngàn lao động có công ăn việc làm ổn định.
Mai Quang Hiền