Báo Đồng Nai điện tử
En

Cây mai dương – “sát thủ thầm lặng”

09:09, 28/09/2010

Cùng với hơn 100 loài sinh vật ngoại lai khác đang có mặt ở Việt Nam và đã bị cảnh báo như: ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, tôm hùm đỏ, cá hoàng đế... nhiều năm qua, miền Đông Nam bộ lại đối mặt với loài thực vật có nguồn gốc Nam Mỹ: cây mai dương. Nhiều nhà khoa học đã gọi loài cây này là kẻ “sát thủ thầm lặng”...

Cùng với hơn 100 loài sinh vật ngoại lai khác đang có mặt ở Việt Nam và đã bị cảnh báo như: ốc bươu vàng, rùa tai đỏ, tôm hùm đỏ, cá hoàng đế... nhiều năm qua, miền Đông Nam bộ lại đối mặt với loài thực vật có nguồn gốc Nam Mỹ: cây mai dương. Nhiều nhà khoa học đã gọi loài cây này là kẻ “sát thủ thầm lặng”...

Cây mai dương phát triển mạnh ở vùng đầu nguồn sông Đồng Nai.

* Nhập cảnh lậu

Theo một số nhà chuyên môn, cây mai dương đã xâm nhập âm thầm vào Việt Nam qua đường sông Mê Kông từ Thái Lan, Campuchia và lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1984 tại Vườn quốc gia Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp. Hơn 10 năm qua, chúng đã trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đến đời sống các loài động, thực vật bản địa trên cả nước. Ví dụ cây mai dương đã làm các loài cá tôm khu vực Tràm Chim không sống được, sếu đầu đỏ mất nguồn thức ăn và nơi sinh sống.

Không rõ từ con đường nào, cây mai dương đã bành trướng vào miền Đông Nam bộ và phát triển khá mạnh ở đầu nguồn sông Đồng Nai (từ Bình Phước về đến hồ Trị An, Vườn quốc gia Cát Tiên).  Đến nay, dù có nhiều nỗ lực, các ngành chức năng vẫn chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn sự phát triển của mai dương với tốc độ cực nhanh. Riêng với hồ Trị An, sông Đồng Nai ở thượng nguồn, mai dương đang góp phần tiêu diệt nhiều loại sinh vật bản địa và có nguy cơ sẽ phát triển xuống hạ lưu. Cần nói thêm, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới xếp mai dương vào danh sách 100 loài sinh vật ngoại lai nguy hiểm nhất.

Có thể nói, cây mai dương ở Hồ Trị An như một “kẻ sát thủ thầm lặng” ngày càng xâm lấn với tốc độ chóng mặt vì sức sinh sôi nảy nở của nó cực nhanh. Nhiều diện tích canh tác nông nghiệp ven hồ Trị An đã bị loài cây này nuốt chửng. Nhiều người dân ở ấp 1, xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai bị mai dương lấn đất canh tác. Mai dương mọc dày đặc trên những diện tích trước đây là rẫy bắp phì nhiêu, dù bà con đã nhiều lần chặt phá nhưng vẫn không đối phó kịp với tốc độ lớn và khả năng sống “dai như đỉa” của nó. Chặt gốc, đào rễ nhưng chưa kịp diệt hết cây lớn đã thấy cây nhỏ xuất hiện. Hạt mai dương nằm đầy trong đất, không thể nào diệt hết được. Các nhà khoa học nói rằng, hạt mai dương có thể sống 10 năm vẫn nảy mầm.

* Kẻ tận diệt

Một khảo sát của Khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu (thuộc tỉnh Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương) hai năm trước cho thấy, cây mai dương phát triển với tốc độ phi mã ở khu vực lòng hồ Trị An. Diện tích bị cây mai dương xâm lấn lên đến gần 1.200 hécta đất lòng hồ. Và trên thực tế, con số này còn gấp nhiều lần khi cây mai dương đang phát triển nhanh chóng ven lòng hồ Trị An, dọc sông La Ngà, Đồng Nai và các kênh rạch, đồng ruộng.

Câu chuyện cây mai dương ở miền Đông thực sự đã được cảnh báo nhiều năm qua chứ không phải đến nay, khi vấn đề sinh vật ngoại lai như rùa tai đỏ, cây ăn thịt, tôm hùm đỏ... được giới khoa học lên tiếng.

Sinh cảnh của hồ Trị An sẽ dần bị cây mai dương xâm chiếm nếu không kìm chế được sự phát triển của mai dương, khi ấy, chuỗi sinh thái của hồ bị phá vỡ. Một khi sinh cảnh hồ đã phá vỡ, điều đó đồng nghĩa với việc nhiều loài sinh vật có ích sống trong hồ và sống nhờ hồ bị hủy diệt, và đó cũng là cơ hội phát triển của nhiều sinh vật có hại. Đặc biệt chất lượng “giếng nước” sinh hoạt khổng lồ của hơn 14 triệu dân vùng hạ lưu sông Đồng Nai chắc chắn cũng bị đe dọa.

Sự xâm nhập của cây mai dương không chỉ tác hại tới sự đa dạng sinh học của hồ Trị An, sông Đồng Nai mà còn ảnh hưởng đến sản xuất điện, nước sinh hoạt.

Các nhà khoa học cho biết, cây mai dương mọc ở đâu thì hệ thực vật ở đó sẽ bị tiêu diệt. Sâu bọ không ăn được, chim chóc không dám đậu, động vật không dám tới gần. Cây mai dương xâm lấn cả cây bản địa, làm thay đổi thảm thực vật, hệ động vật, gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sản xuất của cộng đồng dân cư. Qua khảo sát về tình hình ô nhiễm nước ở hồ Trị An, một phát hiện đáng quan ngại là chính những bụi cây mai dương già cỗi chết đi, xác của chúng phân hủy thành những chất độc, hủy hoại môi trường nước hồ Trị An.

* Đâu là giải pháp?

Trước nguy cơ mai dương đã và đang đe dọa hệ sinh thái ở nhiều địa phương trong cả nước, cách đây hơn 3 năm, Chính phủ đã yêu cầu Bộ NN-PTNT kiểm tra, lập đề án nghiên cứu và xử lý. Trên thực tế, tại miền Đông Nam bộ, nhiều tỉnh đã có những phương án áp dụng để tiêu diệt như nuôi dê để ăn cây mai dương. Song, kết quả thu được là không khả quan. Có nơi dùng biện pháp trồng cây tràm nước để diệt mai dương, nhưng tràm nước lại cũng là cây ngoại lai, tác dụng diệt cây mai dương thì ít, mà gây tác hại xấu đến những thực vật khác thì nhiều, nên dự án phải ngừng triển khai. Cũng có đề tài nghiên cứu ứng dụng chuyển giao nghiên cứu khoa học dùng cây mai dương làm nguyên liệu trồng nấm ở xã Suối Nho, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Thực tế, đề tài này đã được vườn quốc Tràm Chim, tỉnh Đồng Tháp áp dụng nhưng hiệu quả không cao bởi chi phí rất lớn.

Để khống chế sự phát triển của mai dương, phải mất nhiều thời gian và kinh phí. Thế giới có nhiều biện pháp diệt trừ cây mai dương. Úc là nước có nhiều kinh nghiệm sử dụng hóa chất ít độc hại đến môi trường để diệt cây mai dương. Chúng ta sẽ dùng biện pháp “chặt” kết hợp với ngập nước ngâm gốc hoặc phun thuốc trừ cỏ diệt mầm tái sinh.

Hiện tại, vẫn chưa có một dự án hay đề tài khoa học nào nghiên cứu toàn diện về thực trạng động thực vật thủy sinh lạ xâm nhập thủy vực nước ta và các giải pháp quản lý về sinh vật lạ này. Câu chuyện cá hoàng đế, tảo ngoại lai, cá chim trắng vẫn sinh sôi ở lòng hồ Trị An cùng với cây mai dương vẫn đang là thách thức lớn đặt ra. Nhưng có lẽ, cùng với các cơ quan chức năng của Nhà nước, những người dân cũng phải cùng góp tay vào việc này mới hy vọng thành công.

Nguyễn Cao

Tin xem nhiều