Báo Đồng Nai điện tử
En

TP.Hồ Chí Minh: Báo động đất nông nghiệp đang từ từ..."bốc hơi"

09:08, 17/08/2010

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP.Hồ Chí Minh, mỗi năm diện tích đất nông nghiệp của thành phố bị mất khoảng 1.400 hécta, tập trung ở 5 huyện ngoại thành như: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, cùng một phần các quận 12, Thủ Đức. Trong vòng 15 năm trở lại đây, 18.000 hécta đất nông nghiệp đã dần dần "bốc hơi".

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) TP.Hồ Chí Minh, mỗi năm diện tích đất nông nghiệp của thành phố bị mất khoảng 1.400 hécta, tập trung ở 5 huyện ngoại thành như: Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi, Nhà Bè, Cần Giờ, cùng một phần các quận 12, Thủ Đức. Trong vòng 15 năm trở lại đây, 18.000 hécta đất nông nghiệp đã dần dần "bốc hơi".

 

* Hiệu ứng "Domino"

 

Chỉ tay vào miếng đất khô cằn, cỏ hoang mọc đầy sau nhà, ông Trần Văn Thời, một "lão nông tri điền" cố cựu ở ấp 3, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh nói mà như mếu: "Đất hai bên nhà hàng xóm của tôi đều bỏ hoang do ô nhiễm nguồn nước. Đất nhà tôi dù còn tốt nhưng cũng bị lây từ dịch bệnh 2 khu bỏ trống này. E rằng không bao lâu nữa, mấy công đất còn lại cũng bị hư kiểu hiệu ứng domino như vầy".

 

Đất nông nghiệp ở huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh) ngày càng teo tóp.

Thực trạng trên cũng được ông Huỳnh Công Hùng, Phó ban Kinh tế ngân sách HĐND thành phố nhìn nhận: "Qua giám sát, tôi nhận thấy công tác quản lý sử dụng đất đai kém. Địa bàn Bình Chánh còn ô nhiễm môi trường nhiều, nông dân không canh tác được trên mảnh đất của họ". Báo cáo mới nhất của Ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.Hồ Chí Minh đã chỉ ra một thực trạng đáng báo động: Người dân "sẵn sàng" bán đất hoặc để đất trống (không sử dụng) phục vụ yêu cầu kinh tế khác không đầu tư cho sản xuất nông nghiệp dẫn đến diện tích đất nông nghiệp giảm nhanh, nhất là diện tích trồng lúa (giảm đến 6.030 hécta so với năm 2004) và đất chưa sử dụng vẫn còn cao (năm 2008 là 2.253 hécta) chưa được kéo giảm. Nguyên nhân là cùng với quá trình đô thị hóa nhanh, áp lực về dân số, giá trị đất cũng tăng theo quy hoạch, công tác quy hoạch ngành, quy hoạch đô thị,... ảnh hưởng lớn đến tình hình quản lý và quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

 

"Việc chậm giải tỏa các quy hoạch treo, khiến nông dân chưa an tâm. Trong năm 2009, do việc quy hoạch chưa tốt và do ô nhiễm chất thải công nghiệp nên dù diện tích lúa giảm nhiều nhưng diện tích được chuyển đổi có hiệu quả lại rất thấp. Nghĩa là vẫn đang xuất hiện thêm nhiều cánh đồng hoang, nhiều vùng đất "chết", nhiều ao đầm bị ô nhiễm. Việc nuôi trồng thủy sản trong năm 2009 đã giảm gần 1/4 sản lượng so với năm 2008" -  một cán bộ ngành nông nghiệp thành phố cho biết. Bên cạnh đó, nêu ý kiến về hiện tượng xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Bình Chánh thời gian gần đây, bà Ngô Minh Hồng, đại biểu HĐND TP.Hồ Chí Minh đã có ý kiến rất quyết liệt tại phiên thảo luận tổ kỳ họp HĐND lần thứ 18 vừa qua:  Xây dựng trên đất nông nghiệp mà địa phương lúng túng nên đập hay tha là không chấp nhận được. Đã là đất nông nghiệp thì vẫn phải để nguyên là đất nông nghiệp chứ. Quan điểm này được các đại biểu đồng tình: Phải "quản" đất nông nghiệp như giữ vàng.

 

* Giữ đất như giữ vàng

 

Theo các chuyên gia quy hoạch, xu thế đô thị hóa, mất đất nông nghiệp không thể tránh nhưng tốc độ thế nào và hạn chế nó ra sao là điều cần phải tính. "Với tốc độ phát triển các dự án như hiện nay, sẽ còn có thêm nhiều xã khác, nông dân tiếp tục không còn một tấc đất ruộng để trồng rau màu, ngô, lúa. Rồi những nông dân sẽ làm gì kiếm sống khi không còn đất ruộng sản xuất? Kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường, UBND các quận, huyện thực hiện quy hoạch và quản lý tốt quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố nhằm đảm bảo diện tích đất  sản xuất nông nghiệp ổn định lâu dài" - ông Huỳnh Công Hùng nói.

 

Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, trung bình mỗi hécta đất nông nghiệp thu hồi ảnh hưởng tới việc làm của trên 10 lao động nông nghiệp. Từ  năm 2000 đến 2006, thực hiện thu hồi đất, đã có khoảng 2,5 triệu nông dân trên cả nước bị ảnh hưởng đến đời sống. Theo báo cáo của Sở TN-MT TP.Hồ Chí Minh, số liệu đất đai thống kê năm 2008 thì đất nông nghiệp của thành phố là 121.313 hécta (giảm 2.204 hécta so với năm 2004), trong đó đất trồng lúa 30.708 hécta (giảm 6.030 hécta so với năm 2004).

Còn lãnh đạo huyện Nhà Bè cho rằng, khi lấy đất làm khu công nghiệp, người nông dân đứng bên lề, họ chưa là trung tâm của quá trình quy hoạch, thu hồi đất và xây dựng nên họ chưa hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với đất đai nông nghiệp. Cần phải cải thiện điều này. Sắp tới, từ sức hấp dẫn của khu đô thị cảng Hiệp Phước, sẽ xuất hiện thêm nhiều nhà đầu tư khác cũng muốn nhảy vào đất Nhà Bè để "thôn tính" luôn những cánh đồng còn lại, nhằm biến thành khu đô thị mới nên việc giữ cho nông dân đừng ham tiền bán đất cũng rất vất vả.

 

Đối với huyện Củ Chi, là nơi có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp với nhiều mô hình như trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap, trồng hoa lan cây kiểng xuất khẩu... thì việc giữ đất "vàng" càng trở nên cấp bách. Ông Lê Minh Tấn, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi kiên quyết: "Đa phần đất nông nghiệp bị mất là được chuyển sang phục vụ cho việc xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư mới... nhưng Củ Chi quyết tâm giữ vững 24.000 hécta đất nông nghiệp theo quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp từ đây đến năm 2025. Huyện tận dụng quy hoạch các khu đất bỏ hoang, không lấy đất màu mỡ, bờ xôi ruộng mật để xây dựng; không cho người dân thay đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Đồng thời tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, giao thông nội đồng phục vụ tốt cho tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp".

 

Đại Ngọc

 

 

 

 

Tin xem nhiều