Báo Đồng Nai điện tử
En

Làm gì để giảm thiểu ô nhiễm môi trường?
Bài cuối: Sản xuất sạch để tiết kiệm tài nguyên và năng lượng

09:08, 16/08/2010

Đồng Nai có trên 10 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, do đó việc quản lý chất thải trong sản xuất công nghiệp và áp dụng sản xuất sạch hơn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường rất được tỉnh chú trọng. Nhiều doanh nghiệp đến nay đã thực hiện nghiêm túc việc xử lý chất thải, đồng thời sử dụng các thiết bị, máy móc tiết kiệm điện và các nhiên liệu khác.

Đồng Nai có trên 10 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, do đó việc quản lý chất thải trong sản xuất công nghiệp và áp dụng sản xuất sạch hơn để giảm thiểu ô nhiễm môi trường rất được tỉnh chú trọng. Nhiều doanh nghiệp đến nay đã thực hiện nghiêm túc việc xử lý chất thải, đồng thời sử dụng các thiết bị, máy móc tiết kiệm điện và các nhiên liệu khác.

>>>Bài 1: Thiệt hại tiền tỷ do thời tiết

>>>Bài 2: Ứng dụng mô hình sản xuất an toàn trong nông nghiệp
 

Sản xuất gạch theo lò đứng của ông Trung ở xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) giảm 40% than đốt và 20% lượng gạch hao hụt khi ra lò.

* Quản lý chặt sản xuất công nghiệp

 

Với 19/21 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động có nhà máy xử lý nước thải tập trung (NMNTTT), Đồng Nai là tỉnh dẫn đầu cả nước về đầu tư xây dựng các NMNTTT trong KCN. Trong đó, 9 KCN có 100% các doanh nghiệp đấu nối vào NMNTTT, giúp ngành chức năng dễ dàng quản lý chất lượng nước thải của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, việc kiểm tra, phân loại, đánh giá các đơn vị ô nhiễm được thực hiện công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, buộc các cơ sở gây ô nhiễm môi trường phải nhanh chóng đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải đạt yêu cầu, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tên tuổi và thương hiệu của mình.

 Một số đơn vị đầu tư hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, có thể tái sử dụng cho sản xuất, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước ngọt đang thiếu hụt. Bên cạnh đó, không ít doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do máy móc lạc hậu, trong quá trình sản xuất phải sử dụng nhiều nhiên liệu gây ô nhiễm như than, dầu, củi... đã được tư vấn để đầu tư đổi mới các loại máy móc mới hiện đại, tiết kiệm năng lượng, tăng năng suất và giảm ô nhiễm môi trường. Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường, cho biết: "Có một thời gian dài, Đồng Nai cũng như nhiều tỉnh, thành trong cả nước thu hút đầu tư không để ý nhiều đến vấn đề môi trường. Song, những năm gần đây, vấn đề môi trường đã được tỉnh đặt lên hàng đầu; chỉ ưu tiên các dự án không gây ô nhiễm, còn những dự án gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đều bị từ chối. Thời gian tới, sở tiến hành đánh giá, phân loại lại tất cả các doang nghiệp đang hoạt động trên địa bàn để yêu cầu các cơ sở gây ô nhiễm khắc phục. Nếu những cơ sở gây ô nhiễm không khắc phục đúng thời hạn sẽ bị xử lý mạnh".

 

* Đa lợi từ tiết kiệm năng lượng

 

Ở Đồng Nai tuy chưa có nhiều doanh nghiệp áp dụng đồng bộ tất cả các quy trình tiết kiệm năng lượng trong sản xuất như TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, song nhiều doanh nghiệp đang tiến hành các biện pháp tiết kiệm năng lượng với khởi đầu là gắn máy biến tầng cho các mô tơ, bảo ôn lại hệ thống lò nhiệt trong sản xuất giấy có thể bớt khí thải và giảm 20% lượng điện sử dụng/tháng. Đồng thời, thay đổi những thiết bị chiếu sáng tiêu hao nhiều điện năng bằng hệ thống đèn compact tốn ít điện mà vẫn đảm bảo độ sáng, độ bền và giảm được 10-15% điện năng tiêu thụ/tháng. Cụ thể, Công ty TNHH giấy Hưng Long (huyện Long Thành); Cơ sở sản xuất giấy Đông Vương (huyện Vĩnh Cửu); Xí nghiệp chế biến nông sản và thực phẩm chăn nuôi (KCN Biên Hòa 1)... đã thực hiện tiết kiệm điện bằng biện pháp trên khá hiệu quả. Ông Đặng Bá Mạnh, Phó trưởng phòng tiết kiệm năng lượng thuộc Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, cho biết: "Thời gian qua, trung tâm đã tư vấn, hỗ trợ cho một số doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc các nhóm: sản xuất giấy, bột giấy; chế biến thực phẩm; dệt nhuộm và sản xuất gạch ngói áp dụng các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Kết quả, có những doanh nghiệp thực hiện sau gần 1 năm đã thu hồi vốn đầu tư, đồng thời giảm ô nhiễm và hạ giá thành sản phẩm nên lợi nhuận thu được cao hơn".

 

Ông Từ Văn Thẩm, Phó quản đốc Nhà máy cao su Xuân Lập (Tổng công ty cao su Đồng Nai), cho hay: "Năm 2007, nhà máy bắt đầu áp dụng quy trình sản xuất sạch hơn, tiết kiệm khá nhiều điện, dầu D.O, nước và mùi hôi giảm trên 90% so với trước. Nguồn nước thải trong sản xuất được nhà máy xử lý và đưa vào tái sử dụng. Do đó, mỗi năm nhà máy tiết kiệm được khoảng 600 - 700 triệu đồng".  Ông Trần Minh Trung, ở ấp 1, xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) kể: "Gia đình tôi có cơ sở sản xuất gạch ống, trước đây làm theo phương pháp truyền thống rất ô nhiễm, hiệu quả không cao, mỗi ngày chỉ sản xuất được 40 ngàn viên. Đầu năm 2009, tôi đầu tư xây dựng lò gạch kiểu đứng, dùng máy móc vận chuyển gạch vào lò thay thế sức người ở một số công đoạn nên giảm được 1/3 công lao động, sản lượng gạch ra lò tăng gấp 2,5 lần và tỷ lệ hao hụt giảm 20%. Nguyên liệu để nung gạch là than - giảm hơn 40%, lượng khói bụi tỏa ra rất ít, đảm bảo yêu cầu về môi trường. Tổng vốn đầu tư xây dựng lò và các máy móc vận chuyển gạch hết 5 tỷ đồng, và tôi tính chỉ hơn 3 năm là có thể thu hồi vốn và có lời".

Hương Giang

 

Tin xem nhiều