Thời tiết hiện nay nóng ẩm dẫn đến một số loại sâu bệnh trên cây lúa phát triển nhanh. Theo Chi cục bảo vệ thực vật, bà con nông dân nên áp dụng một số phương pháp phòng trừ sâu bệnh sau để giảm thiệt hại:
Thời tiết hiện nay nóng ẩm dẫn đến một số loại sâu bệnh trên cây lúa phát triển nhanh. Theo Chi cục bảo vệ thực vật, bà con nông dân nên áp dụng một số phương pháp phòng trừ sâu bệnh sau để giảm thiệt hại:
1/ Bệnh rầy nâu
- Rầy nâu trưởng thành có màu nâu, dài 3 - 5mm cánh trong suốt, rầy cái to hơn rầy đực. Trứng rầy rất nhỏ, trong suốt được đẻ vào bẹ lá hoặc trên gân lá. Mỗi ổ trứng có 8-15 trứng trông giống hình nải chuối. Trên lá lúa nơi rầy đẻ trứng thường có vạch màu nâu dài 2 - 3mm, tách vạch màu nâu ra sẽ thấy ổ trứng ở bên trong. Rầy non mới nở màu trắng sữa, chuyển dần sang màu xám rồi màu nâu.
- Rầy nâu có đặc tính sống ở gốc lúa, bu quanh bẹ lúa nơi gần mặt nước, mật số cao có thể bu lên lá. Rầy trưởng thành có 2 loại, cánh dài và cánh ngắn. Rầy cánh ngắn không bay được nhưng có thể đẻ 300 - 500 trứng, rầy cánh dài bay rất xa và thích vào đèn ban đêm, đẻ khoảng 100 trứng. Rầy nâu phát triển nhiều ở những ruộng lúa gieo sạ dày, bón quá nhiều đạm, nơi có bóng mát, ẩm độ và nhiệt độ không khí cao. Rầy gây hại bằng cách chích hút nhựa cây lúa và nước bọt của rầy làm tắc nghẽn mạch dẫn nhựa khiến lúa bị úa vàng, sinh trưởng kém. Rầy còn tiết ra chất thải làm đen gốc lúa, nếu nhiễm mật độ cao sẽ gây ra cháy rầy và chúng còn là tác nhân gây bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa.
- Cách phòng chống rầy nâu tốt nhất là dùng các giống kháng rầy để gieo sạ. Không sạ quá 120kg/hécta, bón cân đối đạm, kali, lân, không bón đạm nhiều và muộn. Hạn chế dùng thuốc trừ sâu để bảo vệ thiên địch. Nếu mật độ rầy trưởng thành cao thì diệt bằng cách tháo cạn nước trong ruộng 3 - 4 ngày cho rầy đẻ trứng vào bẹ lúa, sau đó cho nước vào để làm thối trứng. Nếu áp dụng các biện pháp trên không hiệu quả mới tiến hành sử dụng thuốc hóa học, song phải sử dụng theo phương pháp "4 đúng". Có một số thuốc đặc trị rầy như: Buprofezin, Fenobucarb, Imidacloprid...
2/ Bệnh đạo ôn (bệnh cháy lá, khô cổ bông, cổ gié)
- Khi bệnh xuất hiện mang theo các triệu trứng, trên lá có nhiều đốm bệnh nhỏ lớn dần giữa có màu xám trắng, xung quanh viền vàng nâu. Trường hợp bệnh nặng, vết nâu vàng kéo dọc lá làm lá bị khô. Nếu bệnh này xảy ra trên thân lúa sẽ làm thân cây bị khô lại và trên cổ bông, gié lúa sẽ khiến hạt lúa bị lép trắng hoặc hạt lửng.
- Bệnh đạo ôn có thể gây hại cho cây lúa từ giai đoạn mạ đến khi trổ bông. Bệnh thường phát triển trong điều kiện giống bị nhiễm bệnh, bón nhiều phân đạm, ruộng khô và trời âm u.
- Muốn phòng bệnh đạo ôn nên dùng giống kháng bệnh, sạ thưa, bón cân đối phân đạm, kali, lân. Khi phát hiện lúa nhiễm bệnh, ngưng bón phân đạm, không phun thuốc bón lá hoặc chất kích thích sinh trưởng và không để ruộng bị khô.
- Nếu thấy bệnh có chiều hướng tăng nhanh thì phun thuốc đặc trị như: Fenoxanil + Tricyclazole, Benomyl, Kasugamycin...
3/ Bệnh khô vằn (bệnh đốm vằn)
- Bệnh gây hại trên bẹ lá, bệnh nặng có thể phát sinh trên cả phiến lá và bông lúa. Bệnh xuất hiện bằng các đốm xám xanh ở bẹ lá gần mặt nước. Sau đó đốm bệnh lớn dần lan rộng ra khắp lá. Khi độ ẩm cao, trên các vết bệnh có các lớp tơ nấm màu trắng, bệnh nặng làm lúa héo khô từng chòm, bông lúa bị lép và lửng...
- Loại bệnh này gây hại tất cả các vụ trong năm, thường xuất hiện ở các ruộng sạ dày, bón quá nhiều phân đạm. Lúa
bị bệnh khô vằn nặng hay rơi vào thời điểm làm đòng trở đi.
- Để phòng chống bệnh khô vằn khi thu hoạch xong cày lật đất sớm, bón vôi ngâm nước trong một thời gian diệt mầm bệnh. Sạ cấy mật độ vừa phải, bón cân đối phân NPK, chú ý ruộng nào vụ trước bị bệnh khô vằn, vụ sau bón phân cho lúa tập trung vào giai đoạn đầu, không bón thúc muộn. Khi ruộng lúa bị bệnh nên giữ mực nước trong ruộng ổn định và không bón phân đạm. Trường hợp bệnh phát triển mạnh phải phun thuốc trị bệnh Carbendazim, Validamycin, Hexaconazole...
4/ Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá
- Lúa bị bệnh vàng lùn giảm số chồi, cây bị bệnh lùn hơn cây lúa bình thường, lá ngả màu vàng cam. Trong một bụi lúa có thể chỉ có một vài chồi bị mắc bệnh, bệnh này khi nặng có thể làm chồi lúa hoặc cả bụi lúa chết rụi. Tác nhân gây ra bệnh vàng lùn là virus lây từ rầy nâu sang.
- Lúa bị nhiễm bệnh lùn xoắn lá cây thấp hơn cây không bị bệnh, các lá vẫn xanh nhưng gân chính của lá bị sưng. Cây bị bệnh lúc còn nhỏ sẽ làm lá bị nhăn, rách, khi cây lúa lớn lá bị xoắn lại, nhiều chồi đâm ra từ đốt thân trên mặt đất. Tác nhân gây ra bệnh này do rầy nâu mang virus truyền sang.
- Hiện nay chưa có thuốc đặc trị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá cho nên bà con gieo sạ phải né rầy. Khi phát hiện cây bệnh phải nhổ bỏ ngay, sau đó phòng trừ rầy nâu và phun các loại phân bón lá có hàm lượng lân và kali cao để tăng sức đề kháng cho cây.
Nguyệt Hạ