Thời gian gần đây, bệnh đốm lá, rỉ sắt, đốm vằn trên cây bắp phát triển nhanh, đe dọa rất lớn đến năng suất trong vụ hè-thu. Hiện toàn tỉnh có gần 1 ngàn hécta bắp đang bị các bệnh trên đe dọa. Để giảm bớt thiệt hại, nông dân nên thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện sâu bệnh và áp dụng một số biện pháp phòng trừ.
Thời gian gần đây, bệnh đốm lá, rỉ sắt, đốm vằn trên cây bắp phát triển nhanh, đe dọa rất lớn đến năng suất trong vụ hè-thu. Hiện toàn tỉnh có gần 1 ngàn hécta bắp đang bị các bệnh trên đe dọa. Để giảm bớt thiệt hại, nông dân nên thường xuyên thăm đồng, kịp thời phát hiện sâu bệnh và áp dụng một số biện pháp phòng trừ.
1/ Bệnh đốm lá
- Bệnh đốm lá nhỏ: Khi bệnh mới xuất hiện vết bệnh nhỏ như mũi kim, màu hơi vàng, sau lớn dần tạo thành hình thoi màu nâu xám. Các vết bệnh phát triển liên kết lại thành mảng lớn, bệnh nặng sẽ làm lá bị khô héo. Bệnh đốm lá nhỏ có thể gây hại trên lá, bẹ lá và vỏ bắp. Bệnh thường phát sinh từ giai đoạn cây còn nhỏ và gây hại đến khi thu hoạch.
- Bệnh đốm lá lớn: Vết bệnh ban đầu là những đốm nhỏ hình bầu dục, hơi thấm ướt ở phía trên lá, sau vết bệnh lớn dần tạo các vết khô lớn màu nâu hoặc xám bạc. Nhiều vết bệnh có thể liên kết với nhau làm lá bị khô cháy. Vết bệnh xuất hiện trên cả bẹ lá. Bệnh phát triển nhanh khi độ ẩm cao và nhiệt độ thấp. Bệnh đốm lá lớn hay xuất hiện vào thời kỳ bắp phun râu ảnh hưởng rất lớn đến năng suất.
- Bệnh đốm lá thường xuất hiện từ các lá phía dưới rồi lan dần lên các lá phía trên. Khi thời tiết ẩm ướt trên vết bệnh hay mọc ra một lớp mốc màu đen. Bệnh đốm lá lớn, lá nhỏ có thể xuất hiện trên cùng một cây gây hại rất mạnh.
- Cách phòng bệnh tốt nhất là chú ý thâm canh để bắp sinh trưởng tốt nhằm tăng sức đề kháng hạn chế sâu bệnh phát sinh. Khi thu hoạch xong nông dân nên thu gom các cây bị bệnh đem đi tiêu hủy diệt mầm bệnh cho vụ sau. Khi bệnh phát triển nhanh phun thuốc đặc trị như: Dizeb-M45 80W; Vicarben 50BTN.
2/ Bênh rỉ sắt
- Bệnh rỉ sắt thường gây hại cho lá, ngoài ra cũng có thể gây hại trên bẹ lá và vỏ bắp. Vết bệnh đầu tiên là những đốm xanh trong, sau đó chuyển màu vàng và nổi lên trên hai mặt lá. Bên trong các đốm chứa đầy hạ bào tử màu rỉ sắt, khi biểu bì đốm bệnh vỡ ra, các hạ bào tử sẽ phát tán lây lan bệnh. Bệnh nặng sẽ làm lá khô cháy, cây sinh trưởng kém, năng suất giảm.
- Bệnh rỉ sắt phát triển mạnh trong thời tiết có độ ẩm cao. Bệnh có thể phát sinh ngay từ khi cây bắp còn nhỏ khoảng 3 - 4 lá cho đến khi thu hoạch, song bệnh thường tăng cao trong giai đoạn bắp trổ cờ.
- Cách phòng trừ bệnh rỉ sắt hiệu quả là chọn các giống bắp không sâu bệnh để gieo trồng và không trồng bắp quá dày. Thu gom tiêu hủy các cây bị bệnh, khi bệnh nặng thì dùng thuốc Map-Jaho 77 WP; Anvil 5SC để phun xịt cho cây.
3/ Bệnh đốm vằn
- Bệnh đốm vằn là loại bệnh khá phổ biến và gây hại rất lớn trên cây bắp ở nước ta. Bệnh thường xuất hiện trên các bẹ lá gần mặt đất, sau phát triển lên lá và vỏ trái bắp. Vết bệnh lúc đầu là những đốm màu xanh xám, hình bầu dục, sau lớn dần không có hình dạng nhất định loang lổ vằn vện như da beo. Vết bệnh có thể bao phủ phần lớp bẹ, phiến lá và vỏ bắp. Lá bị khô, gãy gục do phía bẹ và cuống bị hủy hoại. Trên trái, nấm có thể ăn sâu vào phía trong làm bắp bị thối. Trời ẩm ướt trên các vết bệnh sẽ xuất hiện những sợi nấm màu nâu nhạt và hạch nấm tròn nhỏ màu đen.
- Bệnh đốm vằn thường phát sinh nhanh trong thời tiết mưa nhiều, nhiệt độ và độ ẩm không khí cao, nhất là trên các ruộng bắp trồng dày, bón nhiều đạm. Bệnh này hay phát triển mạnh từ sau khi bắp trổ cờ.
- Để phòng trừ bệnh đốm vằn, bà con nông dân nên vệ sinh ruộng, rẫy sạch sẽ để tạo sự thông thoáng cho cây bắp và diệt nguồn bệnh. Vào những vụ có mưa nhiều, ẩm độ cao không nên trồng bắp quá dày. Khi bón phân phải chú ý bón cân đối NPK, không bón dư phân đạm. Trường hợp bệnh phát triển mạnh nên phun xịt thuốc Bavistin 50SC, Anvil 5SC, Validan 5DD.
Một số biểu hiện về dinh dưỡng trên lá bắp - Cây bắp khỏe mạnh đầy đủ dưỡng chất lá sẽ bóng loáng và có màu xanh đậm. - Cây bắp bị thiếu đạm chóp lá màu vàng sau lan dần theo gân lá. - Cây bắp thiếu lân, lá sẽ có màu đỏ tím, nhất là các lá non. - Cây bắp thiếu kali, chóp lá và mép các lá dưới bị cháy khô. - Cây bắp bị thiếu Magnesium sẽ xuất hiện các sọc trắng dọc theo gân lá bên dưới, và mặt dưới của lá còn có màu đỏ tím. - Cây bắp bị thiếu nước, cây sẽ có màu xanh xám, lá bị cuốn tròn như cây bút chì. Bà con nông dân có thể căn cứ vào màu sắc của lá để bổ sung đầy đủ các loại phân bón, dưỡng chất cho cây để cây phát triển tốt tăng sức đề kháng bớt sâu bệnh. - Cung cấp đầy đủ phân bón cây bắp phát triển tốt sẽ ít sâu bệnh. - Dọn dẹp sạch ruộng rẫy diệt được một số mầm bệnh cho cây bắp. |
Nguyệt Hạ