Tuần qua, Hội Nông dân tỉnh cùng các ngành phối hợp với 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch tổ chức họp dân ở các xã để lấy ý kiến về vụ Công ty Vedan lén lút xả thải gây thiệt hại cho các hộ nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp xung quanh sông Thị Vải.
Tuần qua, Hội Nông dân tỉnh cùng các ngành phối hợp với 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch tổ chức họp dân ở các xã để lấy ý kiến về vụ Công ty Vedan lén lút xả thải gây thiệt hại cho các hộ nuôi trồng thủy sản và sản xuất nông nghiệp xung quanh sông Thị Vải. Tại các cuộc họp dân này, không hiểu vì sao cán bộ lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh và huyện dường như chỉ “gợi ý” cho bà con nông dân nên lựa chọn phương án hỗ trợ vì thủ tục khởi kiện Vedan ra tòa sẽ rất nhiêu khê; phải nộp án phí và phải cung cấp các bằng chứng gây thiệt hại như hóa đơn, tài liệu...! Ngay sau đó, thông tin về tỉnh Đồng Nai “chỉ mong muốn nhận hỗ trợ từ Vedan và sẽ không khởi kiện ra tòa” đã được nhiều cơ quan báo chí ở trung ương và TP.Hồ Chí Minh liên tục đăng tải.
Tuy nhiên, theo ông Phẩm An Ninh, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Người phát ngôn Tỉnh ủy, đã trả lời Báo Lao Động ngày 7-10 thì không hề có chuyện Tỉnh ủy Đồng Nai chỉ đạo định hướng cho nông dân nên chấp nhận tiền hỗ trợ của Vedan.
Trên thực tế, quan điểm chỉ đạo của Tỉnh ủy Đồng Nai đã được thể hiện rõ trong Thông báo số 400-TB/TU ngày 15-6-2010 kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại buổi làm việc với các ngành, địa phương vào ngày 8-6-2010 về việc yêu cầu bồi thường, hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do ô nhiễm môi trường sông Thị Vải. Theo Thông báo số 400-TB/TU, thì để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nông dân bị thiệt hại do hành vi gây ô nhiễm môi trường sông Thị Vải của Công ty Vedan đạt kết quả tốt, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân trong vùng, Thường trực Tỉnh ủy đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, các ngành chức năng liên quan và cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện Long Thành, Nhơn Trạch tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
1/ UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên - môi trường chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh căn cứ thông báo về việc xác định phạm vi, mức độ ô nhiễm trên lưu vực sông Thị Vải và file bản đồ phân vùng ô nhiễm của Viện Môi trường - tài nguyên, khẩn trương xác định rõ vùng, phạm vi ô nhiễm một cách khoa học, làm cơ sở thống kê thiệt hại của từng hộ dân để làm căn cứ yêu cầu Công ty Vedan bồi thường cho dân. Đồng thời chỉ đạo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Hội Nông dân tỉnh và các địa phương liên quan tính toán mức thiệt hại cụ thể trên một diện tích nuôi trồng thủy sản, diện tích canh tác nông nghiệp; mức thiệt hại của người đánh bắt thủy hải sản để làm cơ sở yêu cầu bồi thường, hỗ trợ phù hợp.
2/ Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các ngành chức năng và cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các huyện Long Thành, Nhơn Trạch tổ chức họp dân của 4 xã Long Thành và Nhơn Trạch bị thiệt hại do ô nhiễm sông Thị Vải để lấy ý kiến, nguyện vọng của người dân về phương pháp, cách thức, yêu cầu mức độ bồi thường, hỗ trợ thiệt hại. Đồng thời tuyên truyền, vận động và định hướng người dân căn cứ vào kết quả xác định phạm vi, mức độ thiệt hại do các cơ quan chức năng cung cấp trên cơ sở khoa học và phù hợp với thực tế để thống nhất đưa ra mức yêu cầu Công ty Vedan bồi thường, hỗ trợ phù hợp. Để yêu cầu Công ty Vedan giải quyết dứt điểm việc bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho nông dân bị thiệt hại, đề nghị Thường trực Hội Nông dân tỉnh chủ động làm việc với Hội Nông dân TP. Hồ Chí Minh, Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thống nhất cách giải quyết của 3 địa phương về cách thức, mức độ yêu cầu Công ty Vedan bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho nông dân (trích nguyên văn).
Như vậy, trong nội dung Thông báo số 400-TB/TU của Thường trực Tỉnh ủy luôn nói rõ đến “bồi thường, hỗ trợ”, không hề có chuyện chỉ đạo chỉ nhận hỗ trợ từ Công ty Vedan. Trên tinh thần tiếp thu sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, ngày 21-6-2010, Phó chủ tịch UBND tỉnh Ao Văn Thinh đã ký Văn bản số 4901/UBND-CNN gửi Công ty CP hữu hạn Vedan Việt Nam đề nghị tiến hành bồi thường thiệt hại về kinh tế cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng ô nhiễm thuộc 4 xã của 2 huyện Long Thành và Nhơn Trạch với tổng số tiền gần 120 tỷ đồng. Tổng số tiền đề nghị Công ty Vedan tiến hành bồi thường thiệt hại được UBND tỉnh căn cứ trên cơ sở tính toán của Viện Môi trường - tài nguyên về kết quả gây thiệt hại kinh tế trên địa bàn Đồng Nai do hành vi gây ô nhiễm của Công ty Vedan gây ra.
Sự việc đã rõ, nguyên nhân gây ra sự ngộ nhận về “tỉnh Đồng Nai chỉ mong muốn nông dân nhận tiền hỗ trợ” là bởi trong các cuộc họp với các hộ dân bị thiệt hại ở Nhơn Trạch và Long Thành, Hội Nông dân tỉnh và địa phương đã không truyền đạt đầy đủ thông tin theo tinh thần chỉ đạo của Tỉnh ủy.
X.P