Bưởi là loại cây trồng quen thuộc ở vùng Đông Nam bộ. Thế nhưng sản xuất bưởi với một quy trình "sạch", ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học và tăng cường các biện pháp sinh học là mô hình còn khá xa lạ với bà con ngay ở các vùng chuyên canh bưởi. Tại huyện Bến Cát, Bình Dương, có một người phụ nữ đã mạnh dạn thử nghiệm và thành công với cách trồng bưởi sạch
Bưởi là loại cây trồng quen thuộc ở vùng Đông
* Trang trại lạ giữa vùng cao su
Trang trại Thanh Thủy ở ấp 7, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương là một trong số ít oi các vườn cây ăn trái nằm xen lẫn trong những dải rừng cao su trên nền đất cát bạc màu tại địa phương.
Với quy mô khoảng 14 hécta, trang trại Thanh Thủy của chị Nguyễn Thị Thanh Thủy được hình thành từ năm 2001, trồng chủ yếu là bưởi da xanh với 5 hécta chuyên canh. Điều đáng nói là tại một vùng đất bạc màu, phần nhiều nông dân ở đây đều chọn cây cao su để đỡ công chăm sóc, chị Thanh Thủy chọn một hướng đi khác: không chỉ là cây ăn trái mà là cây ăn trái theo hướng sản xuất sạch.
Bằng sự học hỏi, tìm tòi và sáng tạo, chị Thủy đã mạnh dạn áp dụng các biện pháp sinh học và hữu cơ vào sản xuất, hạn chế tối đa đến mức không sử dụng thuốc hóa học phun xịt cho cây trồng. Thậm chí, đến phân bón cũng hạn chế sử dụng, cả các loại phân vô cơ... Có thể nói rằng, vườn bưởi này là địa chỉ đầu tiên của tỉnh Bình Dương ứng dụng một cách hiệu quả các biện pháp hữu cơ sinh học vào chăm sóc cho vườn bưởi tạo nên những sản phẩm sạch cho thị trường.
Nhiều năm trước, trang trại Thanh Thủy là một trong số ít địa chỉ cung cấp trái bưởi cho siêu thị. Hằng năm, trang trại này đã đưa ra thị trường lên gần 200 tấn bưởi sạch. Điều rất đáng nói ở đây là ngay tại vùng đất bạt ngàn những vườn cao su, trang trại bưởi này đã đứng vững vàng - nếu không nói là quá vững vàng trước những cơn bão giá...
* Làm mới những kinh nghiêm cũ
Để có sản phẩm sạch cung cấp cho thị trường, trang trại Thanh Thủy đã tự tìm tòi nghiên cứu các nguồn nguyên liệu có nguồn gốc hữu cơ để chăm sóc cho cây trồng. Đó là việc sử dụng nguồn phân cá trộn với phân gà để bón cho cây thay thế phân hóa học. Bằng việc ngâm ủ thích hợp, trang trại đã có một loại phân bón hữu cơ chất lượng cao để bón cho cây bưởi với chi phí hàng năm chỉ khoảng 100 ngàn đồng cho mỗi cây. Ngoài ra, để tăng cường dinh dưỡng trong giai đoạn cây cho hoa trái, trại đã sử dụng trùn quế ngâm ủ với một số phụ gia khác như chế phẩm EM, nấm Tricoderma, rỉ đường,... rồi lắng lọc lấy nước làm phân bón lá cho cây.
Hoặc trong việc phòng trừ sâu bệnh, chủ yếu là sâu đục trái, trang trại đã dùng hỗn hợp nước tỏi, rượu trắng và dầu ăn phun lên cây rất hiệu quả, khống chế được nạn ruồi đục trái trên cây...
Ngoài ra, qua thời gian thử nghiệm, khi nhận thấy trái bưởi da xanh được thị trường ưa chuộng và luôn bán được giá cao hơn, trang trại đã tiến hành thay thế toàn bộ các giống bưởi khác có trong vườn bằng giống da xanh qua phương pháp ghép chồi, ghép mắt trên gốc cũ... Đây là một biện pháp kỹ thuật khá mới trong việc cải tạo vườn cây mà không phải chặt bỏ để trồng lại. Nhờ thuần thục trong thao tác nên hiện nay trang trại có thể đạt tỷ lệ thành công trong các phương pháp ghép lên đến hơn 90%. Nhờ đó, trang trại đã cung cấp được cho thị trường sản phẩm trái bưởi da xanh trên cây ghép gốc bưởi Năm roi với hương vị không thua kém.
Có thể nói rằng, tuy các phương thức và quy trình mà trang trại Thanh Thủy đã ứng dụng không phải là hoàn toàn mới lạ, nhưng với sự sáng tạo không ngừng và biết ứng dụng đúng cách, đúng lúc đã tạo ra một mô hình sản xuất cây ăn trái hữu cơ có chất lượng cao. Đó là những gì mà nhiều nhà vườn khác đang học hỏi để có những sản phẩm sạch phục vụ cho tiêu dùng.
Hải Châu