21 thành viên trong CLB năng suất cao ấp Bình Tân, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc đang thực hiện mô hình luân canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm tối đa chi phí đầu tư; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và còn hạn chế tác động gây ảnh hưởng đến môi trường.
21 thành viên trong CLB năng suất cao ấp Bình Tân, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc đang thực hiện mô hình luân canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để giảm tối đa chi phí đầu tư; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và còn hạn chế tác động gây ảnh hưởng đến môi trường.
Anh Phạm Sỹ Toàn, Chủ nhiệm CLB năng suất cao ấp Bình Tân, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) cho biết gia đình anh có 2 hécta đất, trước đây chủ yếu chỉ trồng lúa, bắp. Do chưa biết áp dụng phương pháp luân canh, chuyển dịch cơ cấu cây trồng kết hợp kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng" nên mặc dù năng suất cây trồng khá ổn định nhưng chi phí đầu tư, công chăm sóc "lấy mất" khoảng một nửa thu nhập. Khoảng 3 - 4 năm trở lại đây, anh không chỉ trồng lúa, bắp mà chuyển sang trồng luân canh có thêm 2 loại cây rau và bông huệ kết hợp kỹ thuật "3 giảm, 3 tăng" đã mang đến mức lợi nhuận trên 100 triệu đồng/hécta/năm.
Cách làm của anh Toàn xem ra cũng khá đơn giản và ít tốn kém. Cụ thể, anh chia 2 hécta đất ra làm 3 khoảnh. Trong đó có 4 sào ít bị ngập nước được canh tác rau cải luân canh với cây bắp. Còn 1,6 hécta hơi trũng nước được chia làm 2 (mỗi phần 8 sào) để trồng lúa, bắp luân canh với cây bông huệ. Anh chọn vụ đông-xuân để trồng bắp vì đây là thời điểm thời tiết rất thích hợp cho cây bắp phát triển tốt và giá bắp cũng cao, tiếp đó anh chuyển sang trồng từ 6-7 vụ rau trên vùng đất 4 sào. Có 8 sào được trồng lúa xen bắp, còn 8 sào khác trồng huệ theo phương thức 4 vụ lúa và bắp luân canh 1 vụ huệ vì cây bông huệ từ lúc gieo trồng đến kết thúc vụ thu hoạch kéo dài từ 14-15 tháng. Thời gian trồng huệ thường vào khoảng tháng 3, tháng 4, sau khi kết thúc vụ đông- xuân. Đặc biệt, khi kết thúc vụ thu hoạch bông huệ, anh đưa cây lúa vào trồng nhằm tận dụng những gốc huệ để làm phân, chính vì thế toàn bộ diện tích lúa anh trồng vào thời điểm này không cần phải bón phân trong suốt vụ, tính ra mỗi sào lúa anh tiết kiệm được tiền phân bón từ 450.000 - 500.000 đồng/sào/vụ. Riêng cây rau, anh Toàn cho lắp đặt hệ thống tưới nước phun sương. Nhờ vậy, anh tiết kiệm được điện cho tưới tiêu, công lao động và lượng phân bón cho mỗi lứa rau từ 200 - 300 ngàn đồng. Mỗi năm anh trồng từ 6-7 lứa rau, tính ra anh đã tiết kiệm được trên dưới 2 triệu đồng. Ngoài ra, theo kinh nghiệm của anh cũng như các thành viên trong CLB năng suất cao Bình Tân là trước 10 ngày thu hoạch rau, anh bón giảm lượng phân Urê, tăng lượng phân Kali để tăng độ cứng cho rau, giảm dập nát rau trong quá trình thu hoạch, vận chuyển vì không còn dùng thuốc phun làm tươi rau như trước đây.
Nhờ áp dụng mô hình luân canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên toàn bộ 2 hécta đất sản xuất được trồng luân canh nhiều loại cây nhưng chỉ do 2 vợ chồng anh quán xuyến hết mọi việc. Các loại cây trồng nhờ ít sử dụng phân và thuốc phòng trừ dịch bệnh gây hại nên đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, hạn chế tối đa tác hại gây ảnh hưởng đến môi trường mà năng suất, chất lượng luôn tăng cao. Cụ thể, năng suất bắp đạt từ 9 - 11 tấn/hécta, lúa đạt 7 tấn/hécta, rau 2 tấn/sào/lứa và năng suất bông huệ đạt từ 50-60 thiên/sào.
Hiện nhiều nông dân ở huyện Xuân Lộc đang học tập mô hình trồng luân canh kết hợp với chuyển đổi cây trồng và áp dụng "3 giảm, 3 tăng" nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế.
Thanh Cường