Báo Đồng Nai điện tử
En

Không nên bán heo ồ ạt

09:07, 30/07/2010

Ngày 29-7, Ban chỉ đạo phòng chống dịch hại cây trồng và vật nuôi tỉnh chính thức công bố dịch heo tai xanh tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu). Trước tình hình này, nhiều người chăn nuôi heo trong tỉnh đang ồ ạt bán heo, khiến giá heo liên tục giảm. Theo ngành thú y, nông dân không nên đồng loạt bán heo trong thời điểm này vì sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

Ngày 29-7, Ban chỉ đạo phòng chống dịch hại cây trồng và vật nuôi tỉnh chính thức công bố dịch heo tai xanh tại xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu). Trước tình hình này, nhiều người chăn nuôi heo trong tỉnh đang ồ ạt bán heo, khiến giá heo liên tục giảm. Theo ngành thú y, nông dân không nên đồng loạt bán heo trong thời điểm này vì sẽ chịu nhiều thiệt thòi.

 

* Bình tĩnh phòng dịch

 

Trong 3 ngày (24 đến 26-7), Chi cục thú y đã phát hiện ra 3 điểm chăn nuôi heo ở  ấp 3 và ấp 6,  xã Vĩnh Tân (huyện Vĩnh Cửu) có heo bị bệnh mang triệu trứng của bệnh tai xanh. Các ngành chức năng đã nhanh chóng lấy 4 mẫu thịt heo tại các hộ trên để xét nghiệm ở Cơ quan thú y vùng VI. Kết quả, cả 4 mẫu thịt heo đem kiểm tra đều dương tính với bệnh PRRS (tai xanh). Ba ổ dịch thuộc hộ ông Phạm Văn Đạo, bà Đặng Thị Khúc ở ấp 3 và hộ ông Võ Văn Tuyến ở ấp 6. Ngay khi phát hiện heo có triệu chứng bệnh tai xanh, Chi cục thú y đã phối hợp với địa phương khoanh vùng tiêu hủy 164 con bị bệnh.

Chị Liên, chủ trang trại ở Vĩnh Tân, giữ heo lại chăm sóc, phòng dịch và đợi hết dịch mới bán.

Tin huyện Vĩnh Cửu có heo bị bệnh tai xanh khiến người nuôi heo trong tỉnh đồng loạt bán ra, đẩy giá heo liên tục rớt. Hiện giá heo ở Đồng Nai xuống còn 27 - 29 ngàn đồng/kg, người nuôi lỗ từ 300 - 400 ngàn đồng/tạ heo hơi. Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, cho biết: "Dịch heo tai xanh hiện đã lây lan ra nhiều tỉnh, thành ở Nam bộ, trong đó có Đồng Nai. Vì vậy,  những xã chưa có dịch người chăn nuôi cần bình tĩnh phòng dịch, không nên ồ ạt bán heo trong thời điểm này vì giá sẽ giảm mạnh và nông dân là người phải gánh chịu hậu quả. Thực tế, tại một số tỉnh khi công bố dịch họ chỉ tiêu hủy những con heo bị bệnh nặng không có khả năng chữa trị, còn những con heo khỏe mạnh, mắc bệnh nhẹ có thể cách ly để chăm sóc, chữa trị vẫn phát triển bình thường và sau 21 ngày không phát hiện thêm heo bệnh sẽ công bố hết dịch, giá heo tăng trở lại".

 

Ông Trần Văn Quang, Phó chi cục trưởng Chi cục thú y, nhấn mạnh: "Cách đối phó tốt nhất với dịch heo tai xanh hiện nay là nông dân nên tiêm phòng đầy đủ các bệnh bắt buộc, bổ sung các dưỡng chất để đàn heo phát triển tốt, tăng sức đề kháng. Ngoài ra, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, thường xuyên phun thuốc tiêu độc sát trùng hạn chế mầm bệnh phát sinh. Đối với những hộ phát hiện heo bệnh, nhanh chóng báo cho cơ quan thú y để có biện pháp xử lý kịp thời, không giấu bệnh hoặc bán chạy heo bệnh để lây lan ra diện rộng".

 

* Chủ động dập dịch

 

Xã Vĩnh Tân nằm giáp nhiều xã khác của huyện Vĩnh Cửu và huyện Trảng Bom, do đó nếu không có biện pháp ngăn chặn dịch kịp thời rất dễ lây lan ra diện rộng. Bà Nguyễn Thị Sự, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Vĩnh Cửu, cho hay: "Tổng đàn heo của huyện Vĩnh Cửu gần 60 ngàn con, riêng xã Vĩnh Tân trên 10 ngàn con. Để ngăn chặn không cho vận chuyển heo bị bệnh ra ngoài xã, huyện đã cho thành lập 3 chốt kiểm dịch canh gác cả ngày lẫn đêm. Tuy nhiên, địa bàn xã Vĩnh Tân rất rộng nên huyện đã yêu cầu các xã khác đều phải chuẩn bị sẵn các bãi tiêu hủy heo bệnh và thành lập đoàn kiểm tra thường xuyên rà soát các hộ chăn nuôi heo, nếu phát hiện dịch thì tiến hành phân loại tiêu hủy nhanh để dập dịch".

Tăng hỗ trợ tiêu hủy gia súc, gia cầm bị bệnh

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 719 nâng mức hỗ trợ cho những hộ gia đình, cá nhân, trang trại, cơ sở, hợp tác xã chăn nuôi gia súc, gia cầm xảy ra dịch lở mồm long móng, heo tai xanh, cúm gia cầm phải tiêu hủy. Theo đó, mức hỗ trợ 25 ngàn đồng/kg heo hơi; 30 ngàn đồng/kg hơi đối với trâu, bò, dê, cừu, hươu, nai; 23 ngàn đồng/con gia cầm (gà, vịt, ngan, ngỗng). Đối với lực lượng thú y, cộng tác viên tham gia tiêm phòng, tiêu hủy gia súc gia cầm bệnh, trực chốt trạm khi xảy ra dịch sẽ được hỗ trợ 50 ngàn đồng/ngày.

K.M

 

Tại buổi họp khẩn cấp bàn biện pháp phòng dịch vào ngày 29-7, một số huyện cho rằng thủ tục tiến hành công bố dịch rườm rà, mất thời gian, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng dịch. Ông Dương Anh, Phó chủ tịch UBND huyện Định Quán, chia sẻ kinh nghiệm: "Năm 2009, xã Thanh Sơn của huyện Định Quán xảy ra dịch, ngay khi phát hiện ổ dịch huyện không đợi công bố dịch đã cho tiêu hủy đàn heo bị bệnh, phun xịt thuốc tiêu độc, khử trùng, dịch bệnh được khống chế và sau một tháng hết dịch. Do vậy, các địa phương chủ động xử lý linh hoạt, không nên đợi công bố dịch rồi mới tiến hành xử lý, như thế dịch sẽ lây ra diện rộng vừa tốn kém vừa khó phòng trừ".

 

Đồng Nai có chăn nuôi heo phát triển nhất cả nước với tổng đàn lên đến 1,2 triệu con, nếu để dịch lan ra diện rộng thiệt hại có thể lên tới hàng ngàn tỷ đồng. Cũng cần tránh hốt hoảng phải bán đổ, bán tháo heo khi phát hiện dịch ở các vùng lân cận, vì làm vậy chẳng khác nào người nuôi tự đem thiệt hại cho mình. Hiện bệnh heo tai xanh không còn xa lạ với người chăn nuôi, vì thế nông dân muốn chăn nuôi bền vững thì cần áp dụng các biện pháp an toàn dịch bệnh...

Hương Giang

 

 

Tin xem nhiều