Vốn là một hộ nghèo nhưng nhờ chí thú làm ăn, gia đình ông Ngô Văn Lắm ở xã Tam An, huyện Long Thành không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu...
Vốn là một hộ nghèo nhưng nhờ chí thú làm ăn, gia đình ông Ngô Văn Lắm ở xã Tam An, huyện Long Thành không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu...
* Từ nuôi ếch thành công...
Là chủ nhân của 1,7 hécta đất nông nghiệp, ông Lắm đã không ngừng suy nghĩ làm thế nào để thoát nghèo trên chính mảnh đất nhà mình. Và cơ may đã đến vào năm 2005, ông tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi trồng lúa ngắn ngày và lớp sơ cấp nông nghiệp do Hội Nông dân huyện tổ chức. Bằng kiến thức học được, ông về áp dụng ngay vào sản xuất, chuyển trồng lúa một vụ sang trồng lúa hai vụ đối với phần đất màu mỡ, còn phần đất kém màu mỡ ông trồng cỏ nuôi 45 con bò, 40 con dê và 3 con nai. Với mô hình này, mỗi năm ông thu lợi 300 triệu đồng.
Mô hình nuôi ếch của gia đình ông Ngô Văn Lắm (thứ hai từ phải qua) được nhiều người tìm đến tham quan. |
Cũng từ những kiến thức tích cóp được, năm 2008, ông Lắm đã mạnh dạn đầu tư chuồng trại, ao đìa nuôi ếch. Với hơn 40m2, ông Lắm chia thành hai hồ: một hồ nuôi ếch sinh sản và một hồ nuôi ếch thịt. Hàng năm, ngoài việc cung cấp ếch thịt cho người tiêu dùng, ông còn cung cấp 45-50 ngàn con ếch giống cho nông dân địa phương. Ông Lắm cho rằng, nuôi ếch dạng bán công nghiệp không khó, chỉ cần một khoảng đất 4m2 trải bạt xuống đáy và quây xung quanh là nuôi được. Thời gian nuôi khoảng 2,5 tháng là bắt đầu được thu hoạch, trọng lượng trung bình 4 con/kg.
* Đến mô hình nuôi cá bống tượng
Nhờ thường xuyên cập nhật thông tin nên ông Lắm biết cá bống tượng là loại cá có giá trị kinh tế cao, lại không khó chăm sóc. Vì vậy, cuối năm 2007 ông bắt đầu chuyển 500m2 ao nuôi cá sang nuôi 1.400 con cá bống tượng và chỉ sau 8 tháng ông đã thu hoạch được lứa đầu. Hiện nay, mỗi năm ông bán ra thị trường 200 - 300kg cá bống tượng và thu lợi từ 50 - 70 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của ông Lắm, cá bống tượng thường sống ở đáy ao và chủ yếu ăn về đêm, do vậy khi cho cá ăn thì 2/3 lượng thức ăn là vào ban đêm. Thức ăn cho cá bống tượng chủ yếu là các loại động vật tươi sống như: ốc, tép, cá nhỏ, lươn, trùn đất. Điều đáng nói, ngoài thả cá bống tượng, người nuôi còn có thể thả ghép một số loài cá khác như: trôi, mè, rô phi để tiết kiệm diện tích ao nuôi, đồng thời tạo thêm nguồn thức ăn cho cá.
Hỏi về dự định tương lai, ông Lắm cho biết sẽ xây thêm hồ nuôi ếch sinh sản vì hiện nay nhu cầu nuôi ếch là rất lớn mà gia đình ông mới chỉ cung cấp được 50% nhu cầu. Bên cạnh đó, ông cũng tăng diện tích nuôi cá bống tượng lên 700m2 để phát triển mô hình nuôi cá sinh sản tự nhiên.
Không chỉ chú tâm làm ăn, với cương vị một cán bộ Hội Nông dân cơ sở và cộng tác viên khuyến nông, ông Lắm cũng luôn hết lòng với công việc được giao. Ông Lắm cho rằng, để giúp người nghèo vượt qua khó khăn, ngoài việc hướng dẫn khoa học kỹ thuật còn phải hỗ trợ nông dân về vốn, giống, cây trồng. Mô hình làm ăn của gia đình ông Lắm luôn là điểm trình diễn cho bà con nông dân trong huyện học hỏi.
Thu Dung