Báo Đồng Nai điện tử
En

Người trồng quýt sạch ở Bàu Chim

09:06, 14/06/2010

Đối với cây có múi, nhất là với quýt, người nông dân phải sử dụng rất nhiều phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Do đó, sản phẩm khi thu hoạch làm cho nhiều người rất ngán ngại về dư lượng chất hóa học. Nhưng với ông Trần Hồng Nhiễm, ở ấp Bàu Chim, xã Phú Xuân (Tân Phú) sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV cho cây quýt ít vẫn rất thành công và có được sản phẩm sạch.

Ông Trần Hồng Nhiễm bên vườn quýt sạch của mình

Đối với cây có múi, nhất là với quýt, người nông dân phải sử dụng rất nhiều phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Do đó, sản phẩm khi thu hoạch làm cho nhiều người rất ngán ngại về dư lượng chất hóa học. Nhưng với ông Trần Hồng Nhiễm, ở  ấp Bàu Chim, xã Phú Xuân (Tân Phú) sử dụng phân hóa học và thuốc BVTV cho cây quýt ít vẫn rất thành công và có được sản phẩm sạch.

 

Ông Nhiễm cho biết, trước đây, ông cũng như mọi người trồng quýt trong vùng sử dụng phân hóa học là chủ yếu; bên cạnh đó còn sử dụng các loại thuốc BVTV để xịt cho ra hoa, rồi dưỡng trái... Ước tính, mỗi tháng ông xịt bình quân từ 3 - 5 lần thuốc. Vì thế, ngoài chi phí đầu tư tăng cao, công chăm sóc sản phẩm lại không được an toàn.

 

Nhưng sau nhiều lần tham quan một số mô hình sạch, an toàn trên các loại cây ăn trái khác và rau, hoa màu, ông đã mạnh dạn áp dụng vào vườn quýt của mình và đem lại hiệu quả ngoài sự mong đợi. Các loại phân bón hóa học trước đây ông thường sử dụng được thay thế hoàn toàn bằng phân chuồng ủ mục với loại nấm đối kháng Tricodecma và phân vi sinh Biomix. Mặc dù không sử dụng phân hóa học, nhưng vườn cây vẫn xanh tốt và còn sạch bệnh, không còn tình trạng bệnh nấm hồng, phấn trắng như trước đây. Trong vụ thu hoạch vừa qua, dù chưa đầy 1 hécta, nhưng ông đã thu được trên 40 tấn trái quýt, với giá bán cao hơn nhiều so với những chủ vườn trong vùng.

 

Việc sử dụng phân bón vô cơ như đạm, kaly, hóa chất bảo vệ thực vật và tốc độ thâm canh cao của nông dân trong sản xuất nông nghiệp hiện nay kéo theo hàm lượng phân bón và thuốc trừ sâu "thải" vào môi trường sinh thái ngày càng tăng cao. Thói quen này không những gây tốn kém, tăng chi phí sản xuất mà còn có nguy cơ làm suy thoái môi trường và giảm chất lượng của sản phẩm nông nghiệp. Kinh nghiệm sử dụng phân bón vi sinh như ông Nhiễm bước đầu đã khắc phục được tập quán sản xuất không có lợi trên.

 

Hướng tới nền sản xuất sạch, bền vững là mục tiêu trong sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy, sử dụng phân hữu cơ và vi sinh làm giảm mức đầu tư tới 80% thuốc bảo vệ thực vật đối với cây trồng; đồng thời làm tăng độ phì nhiêu cho đất với lượng vi sinh vật gấp 3 lần, không gây bạc màu trong đất, đây chính là tính nổi trội mà nhiều loại phân bón khác chưa có.

Tiến Khang - Hồng Văn

 

 

Tin xem nhiều