Với diện tích trên 120 hécta được nuôi trồng thủy sản như tôm càng xanh, cá diêu hồng, rô phi và nhiều loại thủy sản có giá trị khác, xã Trà Cổ đã trở thành nơi cung cấp nguồn thực phẩm hàng ngày cho người dân trong huyện Tân Phú và các vùng lân cận. Mỗi năm bán ra thị trường hàng trăm tấn cá, tôm. Nhờ vậy, nhiều hộ đã trở nên khá giả.
Với diện tích trên 120 hécta được nuôi trồng thủy sản như tôm càng xanh, cá diêu hồng, rô phi và nhiều loại thủy sản có giá trị khác, xã Trà Cổ đã trở thành nơi cung cấp nguồn thực phẩm hàng ngày cho người dân trong huyện Tân Phú và các vùng lân cận. Mỗi năm bán ra thị trường hàng trăm tấn cá, tôm. Nhờ vậy, nhiều hộ đã trở nên khá giả.
Gia đình ông Lương Văn Thạch ở ấp 5, xã Trà Cổ đã hơn 20 năm, thu nhập chủ yếu dựa vào hơn 1 hécta ao hồ. Mỗi năm hai vụ ông thả cá diêu hồng hoặc nuôi tôm càng xanh, thu lãi trên 70 triệu đồng. Ông Lương Văn Thạch cho biết: "Không riêng gia đình tôi mà hàng trăm hộ dân ở đây khá lên cũng nhờ con tôm, con cá. Mỗi hộ từ 5 sào đến vài hécta ao cá mỗi năm có thu nhập từ 50-100 triệu đồng".
Ngoài lợi thế về thủy sản, Trà Cổ còn có đất đai màu mỡ rất thích hợp cho cây ăn trái, nhất là cây có múi phát triển. Do vậy, xã đã thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật mới cho bà con về trồng cây ăn trái. Qua đó, nhiều hộ nông dân đã áp dụng có hiệu quả và cho kinh tế cao. Những năm trước đây, ông Nguyễn Thanh Vân ở ấp 4 có trên 1 hécta bưởi da xanh nhưng do không được học tập kỹ thuật mới nên vườn bưởi mỗi năm chỉ thu một vụ trái với năng suất thấp. Kể từ khi được xã hỗ trợ kỹ thuật, vườn bưởi của ông đã được lắp đặt thêm hệ thống tưới nước, bón phân tiết kiệm, không những giảm được chi phí đầu tư, công lao động mà năng suất đã tăng gấp hai lần. Đặc biệt, ông đã thực hiện được kỹ thuật cho ra trái hai vụ, thu lãi mỗi năm trên 200 triệu đồng. Ông Nguyễn Thanh Vân nói: "Để cho ra trái hai vụ và áp dụng tưới tiết kiệm cho cây trồng thì nhiều nông dân đã làm, nhưng áp dụng trên cây bưởi như gia đình tôi là hộ đầu tiên trong huyện. Hiệu quả ngoài mong đợi. Cây không bị sâu bệnh, chất lượng trái đẹp và ngon ngọt hơn. Khi vào vụ thu hoạch không đủ hàng cung cấp cho thị trường".
Ông Ngô Ngọc Em, Bí thư Đảng bộ xã Trà Cổ, cho biết: Xác định được mục tiêu và thế mạnh của địa phương cho nên xã đã tạo điều kiện cho nông dân học tập khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Hỗ trợ vốn, giống cây con cho bà con đầu tư phát triển. Nhờ vậy, kinh tế nông nghiệp phát triển và nông thôn ở Trà Cổ đang đổi thay từng ngày.
H.Văn - P.Bình