Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện làm ăn, làm giàu
Gắn bó với nghề trồng rừng

08:06, 13/06/2010

Sống ở vùng sông nước, ngay từ nhỏ ông Lâm Quang Trí đã mơ ước có được một khoảnh đất rộng để trồng rừng. Mãi đến khi 43 tuổi, ông Trí mới có điều kiện thực hiện ước mơ của mình.

Sống ở vùng sông nước, ngay từ nhỏ ông Lâm Quang Trí đã mơ ước có được một khoảnh đất rộng để trồng rừng. Mãi đến khi 43 tuổi, ông Trí mới có điều kiện thực hiện ước mơ của mình.

 

* Biến ước mơ thành hiện thực

 

Sinh ở miền Tây, nhưng lớn lên, ông Trí về Sài Gòn học. Ra trường, ông ở lại Sài Gòn làm y tá. Năm 1976, dù cuộc sống khá ổn định song ông Trí quyết định đưa vợ con về lập nghiệp tại ấp Thanh Bình, xã Lộc An (huyện Long Thành), với mong muốn sẽ có cơ hội thực hiện mơ ước ngày trước. Những ngày đầu ở vùng đất Lộc An, gia đình ông sống khá vất vả vì đất ở đây cằn cỗi. Để biến ước mơ thành hiện thực, ngoài thời gian hành nghề y, ông đi khai phá vùng đất sỏi bạc màu để trồng rừng. Lúc đó, nhiều người dân trong vùng thấy ông một mình cực nhọc khai hoang, ai nấy đều ngăn ông lại, vì mọi người đều cho rằng vùng đất này không cây rừng nào sống nổi. Tuy nhiên, ông Trí không nản chí mà vẫn kiên trì tin tưởng sẽ thành công với việc trồng rừng ngay tại vùng đất Lộc An.

 

Ông Trí bên đàn bò sữa nhà mình.

Năm 1985, khi khoảnh đất khai khẩn và mua thêm lên đến 15 hécta, ông Trí xin nghỉ nghề y về mở trang trại trồng rừng, trồng cỏ và nuôi bò. Do chịu khó học hỏi kinh nghiệm và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào cải tạo đất trồng rừng, trồng xen cỏ để nuôi bò, nên chỉ sau vài năm ông Trí đã trở thành hộ khá giả. Ông Trí cho biết, thời gian qua, nhờ trồng rừng, nuôi bò mà mỗi năm gia đình ông thu lời 250 triệu đồng. Bên cạnh đó, trang trại của ông còn giải quyết việc làm ổn định cho gần 30 người với mức lương 2 triệu đồng/tháng.

 

* Ông Trí... bền chí!

 

Nổi tiếng là người trồng rừng giỏi, ông Trí còn được nhiều người biết đến với nghề nuôi bò sữa. Theo ông Trí, thời gian gần đây giá sữa thấp, đa số người nuôi bò sữa trong vùng bị thua lỗ. Riêng gia đình ông, nhờ đầu tư máy móc cơ giới hóa từ khâu trồng, tưới, chăm sóc, thu hoạch cỏ và vắt sữa nên dù giá sữa bò xuống thấp ông vẫn còn lời. Nhận định về nông dân Lâm Quang Trí, ông Phạm Văn Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc An (huyện Long Thành) khẳng định: "Xã có nhiều trang trại trồng trọt, chăn nuôi, song trang trại quy mô và có lợi nhuận cao như của ông Trí không nhiều. Ngoài sản xuất giỏi, ông Trí còn là người rất tích cực làm từ thiện. Ông thường hỗ trợ xây dựng nhà tình thương, gây quỹ học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học, giúp đỡ các gia đình trong xã không may gặp khó khăn".

 

Thực tế, trồng rừng lợi nhuận không bằng các loại cây khác, nhưng ông Trí vẫn duy trì niềm đam mê của mình, ông bảo: "Hiện tôi có 9 hécta rừng. Tuy nghề này thu lợi không cao, nhưng tôi cương quyết không bỏ, vì muốn đóng góp phần nhỏ trong việc bảo vệ môi trường được tốt hơn. Tới đây, tôi dự định sẽ mở rộng trang trại trồng rừng và trồng cỏ để tăng đàn bò lên gấp đôi". Nhờ trồng rừng, trồng cỏ và nuôi bò, đến nay gia đình ông Trí đã có tài sản lên đến gần 10 tỷ đồng.

KHÁNH MINH

 

 

Tin xem nhiều