Báo Đồng Nai điện tử
En

Liên kết chia sẻ khó khăn

07:05, 19/05/2010

Mấy năm gần đây, nông dân Đồng Nai gặp nhiều khó khăn vì giá thức ăn chăn nuôi (TACN) liên tục tăng. Do đó, giá thành của gia súc, gia cầm bị đẩy lên khá cao, dẫn đến người chăn nuôi thường xuyên bị thua lỗ. Có những tháng, giá TACN tăng 3-4 lần trong khi giá heo, gà giảm mạnh.

Mấy năm gần đây, nông dân Đồng Nai gặp nhiều khó khăn vì giá thức ăn chăn nuôi (TACN) liên tục tăng. Do đó, giá thành của gia súc, gia cầm bị đẩy lên khá cao, dẫn đến người chăn nuôi thường xuyên bị thua lỗ. Có những tháng, giá TACN tăng 3-4 lần trong khi  giá heo, gà giảm mạnh. Khi nghe nông dân kêu thì các doanh nghiệp sản xuất TACN giải thích là do giá nguyên liệu nhập về cao, nên giá cám bán ra phải tăng. Nhiều người chăn nuôi nói với Người nông thôn (NNT) tui:

 

- Doanh nghiệp luôn lấy lý do giá nguyên liệu nhập cao để tăng giá bán TACN. Thế nhưng, có lúc giá các nguyên liệu như: bắp, khô đậu nành, cám gạo, bột xương, bột cá... giảm trong thời gian dài, song giá TACN vẫn không giảm. Khi người chăn nuôi phản ảnh thì doanh nghiệp trả lời, họ cũng đang bị lỗ vì nhập nhiều nguyên liệu vào thời điểm giá cao, vì vậy không thể giảm giá TACN.  Thực tế không phải vậy, vì mỗi năm đa số các công ty sản xuất TACN đều lời từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng và lợi nhuận thường là năm sau cao hơn năm trước.

 

- NNT tui thấy một số trang trại trong tỉnh dùng cám tự trộn, giá rẻ hơn cám mua từ 1 - 2 ngàn đồng/kg. Sao bà con mình không chuyển qua dùng cám trộn để hạ giá thành?

 

- Chỉ các trang trại lớn mới đủ khả năng mua máy móc làm cám trộn, còn các trang trại nhỏ và người nuôi nhỏ lẻ lấy đâu ra vốn để đầu tư máy móc, mua nguyên liệu dự trữ sản xuất cám trộn.

 

Hiện nay, ở các nước có chăn nuôi phát triển đều có sự liên kết chặt chẽ từ trang trại đến bàn ăn. Trong chuỗi sản xuất, nếu khâu nào gặp khó khăn thì các khâu còn lại đều có biện pháp hỗ trợ để cùng phát triển bền vững. Vì vậy, họ rất ít khi rơi vào tình cảnh khốn đốn. Còn ở Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung, sự liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất TACN và người chăn nuôi gần như không có, nên các công ty chỉ lo làm sao thu được nhiều lợi nhuận, còn mọi gánh nặng mặc cho người chăn nuôi tự gánh.

 

Nếu để người chăn nuôi tự gánh mọi khó khăn trong thời gian dài, họ sẽ không đủ khả năng sản xuất nên phải bỏ cuộc hoặc giảm đàn. Khi đó, các công ty TACN chắc chắn cũng gặp trở ngại vì cám sản xuất ra không tiêu thụ được.

Người Nông Thôn

 

Tin xem nhiều