Báo Đồng Nai điện tử
En

Khuyến nông
Kỹ thuật nuôi thỏ

09:05, 20/05/2010

Thỏ là loại động vật dễ nuôi và nếu chăm sóc tốt, sau 3-4 tháng nông dân có thể thu hồi vốn và có lời. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, muốn nuôi thỏ thành công, chỉ cần áp dụng một số phương pháp kỹ thuật sau:

Thỏ là loại động vật dễ nuôi và nếu chăm sóc tốt, sau 3-4 tháng nông dân có thể thu hồi vốn và có lời. Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, muốn nuôi thỏ thành công, chỉ cần áp dụng một số phương pháp kỹ thuật sau:

 

1- Chuồng trại nuôi thỏ

 

- Làm chuồng trại nuôi thỏ không cần diện tích lớn, song phải đảm bảo thoáng mát, sạch sẽ và không có gió lùa. Đồng thời, chuồng dễ quét dọn, vệ sinh, sát trùng, thỏ không chui ra ngoài được và không để chuột vào chuồng.

 

- Kích thước của chuồng nuôi thỏ tốt nhất là dài 90cm, bề ngang 60cm, cao 45cm và chân chuồng cao 50cm để dễ dàng dọn vệ sinh. Chuồng phải có nắp đậy, bố trí đầy đủ máng ăn, máng uống cho thỏ. Đáy chuồng phải phẳng, nhẵn, êm và có khe hở để thoát phân và nước tiểu. Chuồng có thể làm bằng tre, bản 1 - 1,5cm và khe hở khoảng 1,5cm.

 

- Máng đựng thức ăn tinh cho thỏ có thể dùng bằng sành, sứ, xi măng hoặc sắt có kích thước hình chữ nhật dài 35cm, rộng 10cm và cao 6cm. Máng uống làm riêng và có thể dùng bằng sành, sứ. Ngoài ra, thức ăn thô như rau, củ, quả... nên đặt vào một cái rổ ngoài chuồng.

 

- Nếu nuôi thỏ sinh sản thì sắp tới thời kỳ thỏ đẻ làm ổ dài 50cm, rộng 35cm và sâu 20cm, xung quanh đóng gỗ nhẹ, mỏng, mặt trên đóng kín một nửa, còn nửa kia làm cửa ra vào có nắp đậy bằng lưới.

 

2- Chọn giống

 

- Để có đàn thỏ giống tốt và chăn nuôi có hiệu quả, tránh sự đồng huyết (nghĩa là chọn những đàn con của con mẹ khác dòng máu với con bố).

 

- Khi thỏ 4 - 5 tháng tuổi chọn con khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lông mượt, ăn uống bình thường. Nếu chọn thỏ đực, phải chọn con đầu to, hai má phình, hai tai dày cứng, lưng phẳng hơi khum vồng về phía sau, đùi sau nở nang, rắn chắc, không bị loét bàn chân và hai dịch hoàn phải to đều. Thỏ cái, chọn con lưng thẳng, 4 chân khỏe, vững chắc, mông nở, xương chậu rộng và có 10 vú cân đối.

 

- Trong quá trình nuôi phát hiện các nhược điểm sau thì phải loại ngay như: thỏ sinh sản kém lặp lại 2 - 3 lần; có tính hung dữ, cắn nhau, cắn người, ăn con; mắc bệnh không khỏi, thể lực yếu.

 

3 – Thức ăn

 

- Thức ăn cho thỏ chia làm 2 nhóm: nhóm thức ăn thô và thức ăn tinh. Thức ăn thô chủ yếu cung cấp chất xơ cho thỏ gồm rau, củ, quả. Nhóm thức ăn tinh có dinh dưỡng cao, đa số là các loại hạt hoặc các phụ phẩm nông nghiệp.

 

- Khi chế biến thức ăn cho thỏ, nếu là thức ăn thô xanh nên đảm bảo sạch, ráo nước, không nên cắt sẵn dự trữ thức ăn xanh lâu ngày. Những rau, cỏ có hàm lượng nước nhiều thì phơi để giảm bớt lượng nước để tránh thỏ ăn vào bị chướng hơi, đầy bụng. Các loại củ quả nên cắt thành miếng nhỏ như hạt bắp để thỏ con ăn được dễ dàng. Đối với thức ăn khô dự trữ, phơi phải được nắng tránh mưa dễ bị mốc. Thức ăn tinh là các loại hạt to, cứng nghiền thành mảnh nhỏ hoặc ủ mầm. Riêng cám, bột khi cho thỏ ăn phải trộn nước ấm hay nấu chín hoặc chế biến thành viên.

 

- Thỏ ở thời kỳ vỗ béo 0,5 - 1kg cho ăn 120-150 gam thức ăn tinh, thô/con/ngày, trong đó thức ăn thô chiếm 2/3. Khi thỏ được 1-2kg, lượng thức ăn 300 gam/con/ngày và vẫn theo tỷ lệ thức ăn thô khoảng 2/3. Thỏ đến giai đoạn 2 - 3 kg, 500 gam thức ăn/con/ngày và chủ yếu vẫn là thức ăn thô.

 

- Thỏ nuôi hậu bị giống chỉ cho ăn khoảng 400 gam thức ăn/con/ngày.

 

- Thỏ thời kỳ mang thai, đực giống cho ăn 560 gam thức ăn/con/ngày.

 

- Thỏ mẹ nuôi con cho ăn hơn 1kg thức ăn/con/ngày và tăng lượng thức ăn tinh bột chỉ gần 0,1kg/con/ngày.

 

4- Nuôi thỏ sinh sản

 

- Thỏ rất dễ sinh sản, do đó những hộ nuôi thỏ thịt nên nuôi thỏ sinh sản để chủ động nguồn giống và giảm chi phí. Một con thỏ đực có thể phụ trách được 8-10 con thỏ cái. Thỏ cái bắt đầu động dục khi được 4-5 tháng tuổi nhưng nên phối giống lần đầu lúc thỏ 6 tháng tuổi trở lên.

 

- Thỏ mang thai từ 30-32 ngày thì sinh, mỗi lần sinh từ 6-8 con.

 

- Lúc thỏ con được 35 ngày tuổi tiến hành cai sữa bằng cách đưa thỏ mẹ đi chuồng khác, để lại đàn con ở chuồng cũ nuôi đến khi được xuất bán hoặc thêm 3 tuần nữa mới chuyển qua chuồng khác. Chú ý thỏ giai đoạn sau cai sữa hay bị rối loạn tiêu hóa và suy dinh dưỡng nên phải chú trọng đến thức ăn và nước uống.

 

- Thỏ sau cai sữa nên nhốt 5 - 6 con/chuồng và không được nhốt thỏ khác lứa tuổi với nhau. Hàng ngày vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thường xuyên kiểm tra sức khỏe của thỏ để kịp thời phát hiện con bệnh có biện pháp chữa trị kịp thời tránh lây lan ra diện rộng.

 

5- Một số loại bệnh thỏ hay mắc và cách trị

 

- Bệnh viêm ruột truyền nhiễm: bệnh này do vi trùng gây ra, khi thỏ bị bệnh có triệu chứng lông xù, kém ăn, sốt cao, phân lỏng... Cách điều trị là dùng Streptomicin liều 0,1 - 0,5 gam/kg trọng lượng, pha loãng uống 2-3 lần/ngày. Ngoài ra, có thể kết hợp uống nước chiết xuất từ cỏ sữa, ổi, nhọ nồi. Bổ sung thêm Oresol để chống mất nước và chất điện giải.

 

- Bệnh ghẻ: Triệu chứng thỏ kém ăn, bị ngứa, rụng lông và đóng vảy. Điều trị bằng cách chích thuốc Ivermentin với liều 0,1 ml/kg trọng lượng, kèm theo dùng nước xà bông rửa sạch  chỗ bị ngứa, rồi dùng dầu thực vật trộn với bột lưu huỳnh bôi khoảng 2 lần, mỗi lần cách nhau 3-4 ngày.

 

Nguyệt Hạ

 

Tin xem nhiều