Hiện nay, thời tiết nóng ẩm rất thuận lợi cho các loại sâu bệnh hại cây có múi như: bưởi, cam, quýt, chanh phát triển. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, nếu nông dân thực hiện một số biện pháp phòng ngừa sau có thể ngăn chặn được sâu bệnh gây hại phát sinh.
Hiện nay, thời tiết nóng ẩm rất thuận lợi cho các loại sâu bệnh hại cây có múi như: bưởi, cam, quýt, chanh phát triển. Theo Chi cục Bảo vệ thực vật, nếu nông dân thực hiện một số biện pháp phòng ngừa sau có thể ngăn chặn được sâu bệnh gây hại phát sinh.
1- Sâu vẽ bùa
Loại sâu này khi trưởng thành là một loại bướm nhỏ, toàn thân màu vàng nhạt có ánh bạc và thường đẻ trứng về đêm trên các đọt non. Sau một thời gian trứng sẽ nở thành sâu non màu xanh nhạt, ăn lớp biểu bì dưới lá, làm lá không phát triển được, gây ảnh hưởng đến chồi non, hoa và trái, trường hợp bị sâu ăn lá nhiều sẽ làm hoa, trái bị rụng. Ở giai đoạn cây còn non nếu bị sâu vẽ bùa thường xuyên sẽ làm cây chậm phát triển. Những vết đục của sâu vẽ bùa còn là đường xâm nhập của vi khuẩn gây ra bệnh loét ở cây. Sâu vẽ bùa gây hại nhiều vào thời kỳ cây ra đọt non.
Cách phòng trừ tốt nhất là tỉa cành, bón phân hợp lý điều khiển cây ra chồi tập trung để hạn chế sâu vẽ bùa. Khi mật độ sâu vẽ bùa gây hại cho lá cao nên dùng thuốc hóa học như: Chip 100 SL; Admire 50 EC; Comet 85 WP... để phun.
2- Sâu đục vỏ trái
Loại sâu này thường hay xuất hiện ở cây bưởi và rải rác trên cây cam. Khi trưởng thành, chúng là bướm màu xám nhỏ đẻ trứng vào ban đêm trên các trái bưởi, cam còn non. Sau đó, trứng nở thành ấu trùng đục vào trong vỏ trái tạo nên những vết sẹo lồi trên vỏ, khi bị nặng trái có thể rụng. Loại sâu này tác hại rất lớn, làm giảm giá trị thương phẩm của trái cây.
Với loại sâu đục trái nên phòng bằng cách bao trái ngay từ khi còn nhỏ. Nếu sâu bệnh gây hại nhiều nên dùng các loại thuốc Admire 50 EC, Comet 85 WP, Taginon 95 WP... phun 2 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày. Đồng thời, thu gom trái non bị bệnh đem đi tiêu hủy để tránh mầm bệnh lây lan.
3- Bọ xít xanh
Loại bọ xít này hoạt động mạnh vào sáng sớm và chiều mát. Cả ấu trùng lẫn bọ xít trưởng thành đều dùng vòi chích hút trái. Trái cây bị bọ xít chích có quầng vàng và bị rụng. Loại này gây hại rất nhanh, một con có thể chích nhiều trái trong một ngày và vòng đời của chúng gần 40 ngày.
Cách phòng: Dùng vợt bắt bọ xít vào lúc sáng sớm hay chiều mát và ngắt bỏ các ổ trứng. Đặc điểm của loài bọ xít xanh là thường gây hại ở các vườn rậm rạp. Vì vậy, bà con nông dân nên xén tỉa các cành không cần thiết và dọn vườn thông thoáng để hạn chế sâu bệnh. Vào giai đoạn cây ra trái và khi trái non khoảng 1 tháng, nếu mật độ bọ xít cao dùng các loại thuốc Bull star 262.5EC, Trebon 20WP... phun trừ.
4- Rầy chổng cánh
Rầy trưởng thành nhỏ, màu nâu xám, khi đậu cánh xếp lại trên thân và đầu chúc xuống, phần bụng chổng cao. Loại rầy này hút nhựa làm chồi bị khô, lá rụng và còn là tác nhân truyền bệnh vàng lá Greening trên bưởi, cam, quýt. Hiện rầy chổng cánh là loại dịch hại nguy hiểm nhất cho cây có múi. Rầy chổng cánh xuất hiện quanh năm, nhưng giai đoạn nhiều nhất là thời điểm cây ra lộc non.
Cách phòng rầy chổng cánh hiệu quả nhất là tỉa cành, bón phân thích hợp, điều khiển ra đọt tập trung để dễ theo dõi và phòng trừ. Khi phát hiện rầy với số lượng ít dùng bẫy, nuôi kiến vàng để diệt rầy. Còn khi rầy phát triển số lượng nhiều thì dùng thuốc Butal 10 WP, Triray 50EC, dầu khoáng phun xịt cho cây.
Lưu ý, trong vườn trồng cam, quýt, bưởi, chanh không nên trồng cây nguyệt quế, cần thăng, kim quất ở gần vì loại cây này rầy chổng cánh rất ưa thích.
5- Rầy mềm, rệp sáp
Rầy mềm và rệp sáp thường xuất hiện ở những vườn cam, quýt trồng dày và bón nhiều đạm. Nhóm côn trùng này chích hút mầm non của cây làm chồi biến dạng, lá cong queo còi cọc và rụng.
Do đó, nên phòng trừ rầy mềm và rệp sáp bằng cách nuôi kiến. Ngoài ra, khi thấy cây bị bệnh nhiều dùng thuốc Virofas 20EC, Bi 58 40EC, Applaud- Mipc 25 BHN... để phun trừ. Song, chỉ phun xịt thuốc trên các chồi và cây nhiễm rầy.
6- Bệnh vàng lá Greening
Bệnh xảy ra trên cây còn nhỏ gây ra triệu trứng đốm vàng, loang lổ trên lá làm phiến lá chuyển màu vàng chỉ còn gân lá màu xanh. Khi bệnh nặng cây không phát triển, tán lá không đều, các lá mọc thẳng đứng, cứng. Còn cây lớn bị mắc bệnh vàng lá trái nhỏ, méo mó, khi bổ dọc trái thấy tâm trái bị lệch hẳn sang một bên và hạt bị thui có màu nâu. Nguyên nhân gây ra bệnh này là do dùng mắt ghép từ những cây mang mầm bệnh và do rầy chổng cánh gây ra.
Cách phòng bệnh vàng lá: Trồng giống cây sạch bệnh, không dùng mắt ghép, gốc ghép, cành chiết từ những cây bị bệnh. Khi cắt tỉa cành nên khử trùng dụng cụ cắt tỉa sạch sẽ. Diệt trừ rầy chổng cánh và nhổ bỏ những cây nhiễm bệnh đem đi tiêu hủy để diệt mầm bệnh, tránh lây lan ra diện rộng. Cây mới chớm bệnh phun thuốc CuSO4 + ZnSO4 + MgSO4, phun 10-15 ngày/lần đến khi cây hồi phục.
7- Nhện gây hại
Nhện gây hại có 3 loại: nhện đỏ, nhện trắng và nhện vàng. Nhện có thể gây hại cho nhiều bộ phận của cây như lá trưởng thành (nhện đỏ), lá non (nhện vàng), quả non (nhện trắng, nhện vàng). Lá non bị nhện hại sẽ biến dạng và ảnh hưởng sự phát triển của cây, lá trưởng thành bị nhện chích sẽ vàng, nhanh rụng. Trái non hoặc lớn bị nhện chích vỏ sẽ bị sần sùi. Nhện phát triển mạnh, nhanh trong điều kiện khô hạn.
Để phòng trừ nhện hiệu quả, bà con nông dân nên áp dụng tưới phun trong mùa nắng. Khi thấy mật độ nhện nhiều thì phun thuốc Polytrin P 440EC, Kelthane 18,5EC, May 50SC để diệt trừ.
Ngoài các biện pháp phòng trừ bệnh ở trên, bà con nông dân nên đào mương thoát nước mùa mưa, cân đối phân bón cho đầy đủ để cây phát triển tốt, giảm sâu bệnh.
Nguyệt Hạ