Hiện nay, trên các cánh đồng ở huyện Long Thành, hầu hết các loại cây trồng vụ đông-xuân 2009-2010 cơ bản đã được bà con nông dân thu hoạch xong. Trong đó có nhiều cây trồng đạt năng suất khá cao. Riêng cây lúa, năng suất đạt từ 60-70 tạ/hécta, cá biệt có nhiều nơi như ở xã Bình An, năng suất đạt tới 80 tạ/hécta...
Hiện nay, trên các cánh đồng ở huyện Long Thành, hầu hết các loại cây trồng vụ đông-xuân 2009-2010 cơ bản đã được bà con nông dân thu hoạch xong. Trong đó có nhiều cây trồng đạt năng suất khá cao. Riêng cây lúa, năng suất đạt từ 60-70 tạ/hécta, cá biệt có nhiều nơi như ở xã Bình An, năng suất đạt tới 80 tạ/hécta...
* Khi nông dân được tiếp cận với các tiến bộ KHKT
Theo số liệu thống kê, vụ sản xuất đông - xuân năm 2009-2010, toàn huyện Long Thành gieo trồng được 2.041 hécta cây trồng các loại, đạt 101,2% kế hoạch. Trong đó, phần lớn các loại cây trồng chính đều đạt và vượt kế hoạch như: lúa (104%), bắp (101,2%), mì, lang (100%)... Điều đáng phấn khởi là vụ đông - xuân năm nay mặc dù tình hình thời tiết khắc nghiệt, nắng hạn kéo dài, nhưng nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, nhất là khâu nước tưới vào cuối vụ, nên không có diện tích gieo trồng vụ đông - xuân nào trên địa bàn huyện bị khô hạn. Riêng các công trình thủy lợi như: đập Suối Cả, đập Sa Cá và đập Long An... nhờ có sự điều tiết nước của hồ Cầu Mới nên nguồn nước tưới rất dồi dào.
Cũng theo nhiều nông dân, thì những năm trước đây, điều khiến bà con lo lắng nhất khi trồng lúa vụ đông - xuân chính là bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá - đối tượng gây hại chủ yếu trên lúa do rầy nâu lan truyền. Tuy nhiên, trong vòng 3 năm trở lại đây, dịch bệnh này không còn là nỗi lo của nông dân nữa. Bởi, hàng năm vào đầu vụ sản xuất, trước khi chuẩn bị xuống giống, Trạm khuyến nông, Trạm bảo vệ thực vật của huyện phối hợp với Hội Nông dân các xã tổ chức các lớp hội thảo đầu bờ để tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) mới nhất cho nông dân. Trong đó, riêng chương trình "3 giảm, 3 tăng" đã góp phần thiết thực trong việc giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa; đồng thời việc bà con sử dụng giống lúa kháng rầy, kết hợp chọn thời điểm gieo sạ "né rầy", nên vụ đông - xuân không có diện tích lúa nào bị bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Hàng năm, Phòng Kinh tế huyện cũng liên hệ với Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long mua giống về hỗ trợ cho nông dân, góp phần giúp cho cơ cấu giống lúa trên địa bàn huyện khá phong phú (gồm các giống: OM.6162, OM.4900, OM.5472, OM.2514, OM.2395, VNĐ.95-20, MTL.110). Riêng cây bắp vụ đông - xuân năm 2009-2010 được Công ty giống cây trồng tỉnh hợp đồng với nông dân xã Suối Trầu trồng thử nghiệm, trình diễn nhiều loại giống bắp mới có năng suất, chất lượng cao như: NK.54, NK.66, NK.72 và C.919...
* Những tồn tại cần khắc phục
Qua kết quả sản xuất đông - xuân năm 2009-2010, nhiều cán bộ và bà con nông dân nhận thấy: để giành thắng lợi cao nhất, bên cạnh việc áp dụng các tiến bộ KHKT, đưa giống mới vào sản xuất, thì khâu gieo trồng phải được thực hiện tập trung, đồng loạt trên từng cánh đồng để tạo thuận lợi trong điều tiết nước tưới, phòng trừ sâu bệnh và thu hoạch. Việc tăng cường đầu tư các loại máy móc cơ giới hóa nông nghiệp như: máy gặt đập liên hợp, máy cắt xếp dãy... cũng sẽ góp phần hạ giá thành sản phẩm, khắc phục tình trạng thiếu lao động nông nghiệp khi vào thời điểm thu hoạch...
Tuy nhiên, do hoạt động của các câu lạc bộ năng suất cao tại các xã còn hạn chế, nhu cầu tập huấn quy trình kỹ thuật canh tác cho nông dân ít được quan tâm, nên Trạm khuyến nông và Trạm bảo vệ thực vật phải trực tiếp phối hợp với Hội Nông dân các xã tổ chức tập huấn, quán triệt kỹ thuật cho nông dân. Để phấn đấu đưa sản xuất nông nghiệp phát triển, Huyện ủy, UBND và các ban, ngành trong huyện đã và đang tiếp tục tăng cường củng cố và phát triển các loại hình thức kinh tế hợp tác, kể cả các mô hình hợp tác giản đơn như: Câu lạc bộ năng suất cao, tổ hợp tác... Đây cũng chính là điều kiện tốt để thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, giúp nông dân vươn lên làm giàu chính đáng.
Tiến Đạt